Trong tổng số 222 thí sinh được nâng điểm thi THPT quốc gia năm 2018 của Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, theo thống kê ban đầu, đã có ít nhất 68 thí sinh bị đình chỉ học tập.
Trường chờ bộ, bộ "đá bóng" về trường!
12 thí sinh khác vẫn đang tiếp tục theo học tại các trường ĐH lớn như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội... Lý do là sau khi chấm thẩm định, những thí sinh này vẫn đủ điểm trúng tuyển vào các trường đó.
Lãnh đạo nhiều trường đã lên tiếng về sự khó xử trong việc xử lý thí sinh có liên quan đến vụ tiêu cực thi cử này. Theo họ, không có chỉ đạo cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường không đủ căn cứ để buộc thôi học đối với các thí sinh.
Cơ quan điều tra đọc lệnh khởi tố ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Theo ông Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội, nếu sử dụng kết quả chấm thẩm định để tiến hành xử lý thì có nhiều tình huống xảy ra mà trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ không có. Ví dụ trong quy chế tuyển sinh ghi rõ nếu thí sinh có gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia thì cơ sở đào tạo sẽ hủy kết quả trúng tuyển và ra quyết định buộc thôi học. Nhưng trong công văn của Bộ GD-ĐT gửi đến các trường thì không có từ nào liên quan đến kết luận "gian lận" mà chỉ nói "điểm không chính xác". Dựa trên công văn này thì các trường không thể xử lý buộc thôi học những thí sinh có điểm chấm thẩm định cao hơn hoặc bằng điểm xét tuyển. Theo ông Tùng, Bộ GD-ĐT cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể thì nhà trường mới có thể xử lý được đối với từng trường hợp cụ thể.
Ông Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng nhà trường không thể tự quy kết chuyện thí sinh có đồng lõa với phụ huynh chạy điểm hay không, vì thế với những thí sinh mà điểm sau thẩm định vẫn đủ chuẩn thì nhà trường vẫn phải công nhận trúng tuyển cho các em. Một khi vẫn không có chỉ đạo rõ ràng từ Bộ GD-ĐT thì không có căn cứ gì để buộc thôi học đối với sinh viên khi chưa xác định được ai là người chạy điểm và học sinh có biết việc này hay không? Vì lý do này mà một thí sinh Sơn La được nâng điểm khá nhiều ở 2 môn toán và ngoại ngữ nhưng vẫn còn đang theo học ở trường này.
Trong khi các trường đang rất lúng túng với việc này thì ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng các cơ sở giáo dục ĐH có quyền và trách nhiệm xử lý, không thụ động ngồi đợi chỉ đạo của bộ. "Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, cho nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường" - Bộ trưởng nói. Cũng theo ông Nhạ, tất cả hành vi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và bất cứ kỳ thi nào khác đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.
Hoàn toàn có thể hủy kết quả vì có gian lận
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng thực chất là bộ đang lừng chừng trong việc xử lý. "Cho dù ĐH tự chủ nhưng việc kiểm soát chất lượng từ cơ quan nhà nước là không thể bỏ đi được. Vì thế mọi gian lận, kể cả khi nhà trường có bỏ qua, thì Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo theo quan điểm của mình. Bộ có coi gian lận nâng điểm là không chấp nhận được ở ĐH hay không?" - ông Vinh đặt vấn đề. Cũng theo chuyên gia này, khoản 4 điều 49 Quy chế thi THPT quốc gia quy định về trừ điểm bài thi có tình huống "cho điểm 0" với "bài thi có chữ viết của hai người trở lên". Như vậy, những bài trắc nghiệm đã xác định có tẩy xóa, tô lại đáp án để nâng sửa điểm chắc chắn có nét tô của hai người, vậy thì tại sao lại không cho bài thi nâng điểm gian lận đó về 0 điểm? Và làm như thế thì thí sinh không thể được tiếp tục học ĐH.
Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng các trường chưa có căn cứ để xử lý mạnh hơn vì chấm thẩm định chỉ phát hiện lỗi của người chấm chứ không phát hiện lỗi của thí sinh. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh quan điểm dứt khoát phải làm đến cùng, không có vùng cấm cho bất kỳ ai.
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, nhìn nhận với quyền tự chủ của mình, các hội đồng tuyển sinh của các trường có thể xem xét không công nhận kết quả trúng tuyển của thí sinh với kết quả thi THPT khi có sự gian lận. GS Đức cho rằng khi xác định có sự can thiệp chủ quan vào kết quả bài thi thì hoàn toàn có căn cứ để xử lý ở mức cao nhất là hủy công nhận kết quả của kỳ thi đó vì đã vi phạm quy chế.
Thẳng thắn nhìn nhận về gian lận thi cử
Chiều 23-4, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chủ trì buổi làm việc với Bộ GD-ĐT cùng Bộ Công an về vấn đề xử lý vi phạm kỳ thi THPT quốc gia 2018 và công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trước một số vi phạm liên quan đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia gây xôn xao trong dư luận, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định đây là vấn đề mà dư luận xã hội đang rất quan tâm và đây cũng là nội dung quan trọng liên quan đến thế hệ tương lai của đất nước. Công tác thi cử, chọn lọc đúng đắn sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Do vậy, để thực hiện chức năng và để có căn cứ, cơ sở báo cáo, giải trình tại phiên họp toàn thể về nội dung này trong thời gian tới, ông Phan Thanh Bình mong muốn thông qua buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành, các đại biểu tham dự thảo luận và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần xử lý trước mắt và trong chiến lược lâu dài đối với kỳ thi THPT quốc gia nước ta hiện nay nhằm bảo đảm nghiêm túc, công bằng...
B.Trân