Chiều 23-4, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chủ trì buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Công an về vấn đề xử lý vi phạm kỳ thi THPT quốc gia 2018 và công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Toàn cảnh buổi làm việc chiều 23-4 - Ảnh: Quochoi.vn
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, các ý kiến tại buổi làm việc ghi nhận dù ngành giáo dục trong những năm qua đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để đổi mới trong quản lý, trong điều hành và đạt được nhiều kết quả, song vẫn còn những hạn chế phải sớm được khắc phục.
Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra một số vi phạm liên quan đến kết quả kỳ thi THPT quốc gia gây xôn xao trong dư luận.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng đây là vấn đề mà dư luận xã hội đang rất quan tâm và đây cũng là nội dung quan trọng liên quan đến thế hệ tương lai của đất nước. Công tác thi cử, chọn lọc đúng đắn sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Do vậy, để thực hiện chức năng của ủy ban và để có căn cứ, cơ sở báo cáo, giải trình tại phiên họp toàn thể ủy ban về nội dung này trong thời gian tới, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình mong muốn, đại diện các bộ, ngành, các đại biểu tham dự thảo luận và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần xử lý trước mắt và trong chiến lược lâu dài đối với kỳ thi THPT quốc gia nước ta, nhằm bảo đảm nghiêm túc, công bằng.
Một đại biểu dự cuộc làm việc chia sẻ tại cuộc họp Bộ GD-ĐT và Bộ Công an đã lần lượt báo cáo về những tiêu cực thi cử trong thời gian qua ở một số địa phương.
Vụ tiêu cực thi cử ở Sơn La gây chấn động
Bộ Công an cho biết vẫn đang trong quá trình điều tra, vẫn còn những nội dung chưa xác minh được nên chưa công khai thông tin. Bộ Công an cũng cho rằng muốn công khai danh tính phụ huynh liên quan việc nâng điểm cho con thì việc công bố phải được thực hiện trên cơ sở có lỗi. Nhưng trong quá trình điều tra và chứng minh, chưa biết họ có vi phạm hay không nên chưa thể công bố.
Bộ GD-ĐT cho biết những trường hợp xác định có gian lận mà chấm lại có điểm thấp thì đã loại những thí sinh đó. Hiện còn 12 thí sinh sau khi chấm lại có mức điểm vẫn đảm bảo đỗ nên vẫn cho học tiếp. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD-ĐT là vẫn tiếp tục xác minh, nếu sau này xác định các em có lỗi liên quan việc nâng điểm thì sẽ xử lý.
Chiều 23-4, Văn phòng Chính phủ cũng đã ra văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ GD-ĐT yêu cầu nghiên cứu, xử lý thông tin về gian lận điểm thi như báo chí nêu và báo cáo Thủ tướng.