Gian lận thi cử: Vừa chống vừa băn khoăn

Thứ hai, 06 Tháng 5 2019 10:59 (GMT+7)
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định với hệ thống phần mềm mới có tính bảo mật cao, không bất kỳ ai có thể can thiệp vào bài thi của thí sinh

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết bộ đã nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm nhằm tăng cường khâu bảo mật để phòng ngừa, phát hiện các gian lận.

Tăng cường bảo mật

Theo ông Trinh, với phần mềm nâng cấp này, tất cả dữ liệu liên quan đến bài thi của thí sinh (TS), từ ảnh quét bài thi cho đến kết quả cuối cùng, đều được mã hóa bằng các thuật toán mã hóa tiên tiến có độ tin cậy và bảo mật cao. Mọi thao tác trên phần mềm đều được lưu vết, chỉ người có trách nhiệm mới có thể mở để đọc mà không thể sửa được thông tin. Cán bộ chấm thi trắc nghiệm cũng không thể trực tiếp can thiệp để làm thay đổi dữ liệu dẫn đến làm thay đổi kết quả thi.

Ngoài ra, phần mềm này cũng có các chức năng để hỗ trợ trong việc dò tìm, phát hiện, sửa lỗi trong quá trình chấm thi để hạn chế đến mức thấp nhất các thao tác thủ công của con người. Việc sửa lỗi kỹ thuật chỉ thực hiện được ở những vị trí lỗi khi nhận diện ảnh quét bài thi do phần mềm phát hiện. Ảnh quét gốc bài thi của TS không thể can thiệp và sửa chữa. Camera sẽ được lắp đặt ở các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ kể cả khi mất điện và có dung lượng lưu trữ ít nhất 21 ngày.

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm cần lựa chọn những cán bộ nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao, am hiểu về phần mềm và quy trình chấm thi. Các trường phải tập huấn đầy đủ để chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ cán bộ chấm thi trắc nghiệm. Các sở GD-ĐT cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị..., phối hợp tốt với các trường ĐH để tổ chức tốt nhất kỳ thi.

Lo lắng chấm tự luận

Dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng không ít người vẫn băn khoăn: Nếu chấm tự luận vẫn là công việc của các địa phương thì có ai bảo đảm tiêu cực sẽ không xảy ra?

Theo thống kê, kỳ thi THPT quốc gia 2018, cả nước có 901.806 TS dự thi môn ngữ văn, với điểm trung bình 5,45. Có 32,3% TS điểm dưới trung bình, trong đó 783 TS bị điểm liệt (từ 0 đến dưới 1). Tỉnh Hậu Giang là địa phương có điểm trung bình môn văn cao nhất - 6,49 điểm. Cùng đứng trong top 10 địa phương có điểm trung bình môn văn cao nhất với Hậu Giang là Hà Nam, Hà Tĩnh, An Giang, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Bình Thuận, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Tháp. Trong khi đó, các thành phố lớn luôn nằm trong top dẫn đầu về thành tích giáo dục là Hà Nội, TP HCM lại có điểm môn văn rất khiêm tốn, lần lượt đứng thứ 33, 34. Con số này được nhiều giáo viên đánh giá là chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục của Hà Nội so với các địa phương khác.

Theo kết quả chấm thẩm định 51 bài thi môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT ở Lạng Sơn, không bài thi nào có điểm tăng lên; 8 bài giảm điểm (chiếm 15,7%). Trong đó có 4 bài thi giảm 1,25 điểm, 3 bài giảm 1,5 điểm, 1 bài giảm 1,75 điểm (trong đó có 0,5 điểm do cán bộ chấm thi cộng nhầm cơ học). Còn tại Sơn La, 110 bài thi môn ngữ văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường bị chấm thẩm định thì có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với lần chấm đầu từ 1 điểm trở lên, trong đó có 1 bài điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.

"Rõ ràng chất lượng giáo dục của các thành phố cao hơn các tỉnh nhưng điểm thi thì lại thấp hơn. Điều này có phải là ở các tỉnh có sự nới tay, chấm lỏng đối với môn tự luận để nâng điểm cho thí sinh? Và nếu chấm tự luận vẫn giao cho địa phương thì nghịch lý TS thành phố điểm thấp hơn các khu vực "trũng" của giáo dục tiếp diễn" - một giáo viên đặt vấn đề.

Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục