Sáng nay 9-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp QH thứ 6 (tháng 10-2018).
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện (UBTVQH) Nguyễn Thanh Hải cho biết đánh giá của các đoàn đại biểu QH về cơ bản các bộ, ngành đều rất nghiêm túc, trách nhiệm trong tiếp thu các kiến nghị mà cử tri nêu; các nội dung trả lời đều rõ ràng, giải trình ngắn gọn, dễ hiểu đúng trọng tâm vấn đề mà cử tri nêu.
"Tuy nhiên, vẫn còn trả lời thiếu thuyết phục, chưa làm cử tri hài lòng. Như cử tri các tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk, Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, Tây Ninh… đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước và giải pháp khắc phục hậu quả trong các vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình" - bà Hải nêu rõ.
Trong khi đó, trả lời cử tri các tỉnh, Bộ GD-ĐT chủ yếu nêu những giải pháp điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Về trách nhiệm của mình, bộ chỉ nêu "ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của ban chỉ đạo cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của bộ trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi".
"Trả lời như vậy cho thấy Bộ GD-ĐT đã trả lời rất chung chung, chưa nêu rõ trách nhiệm cụ thể của bộ trong công tác quản lý nhà nước khi để xảy ra việc gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay, như trách nhiệm của bộ trong việc ban hành các quy định về chấm thi, quản lý bài thi.. chưa khoa học, còn sơ hở chưa đảm bảo chặt chẽ, công khai nhưng đã không được thường xuyên rà soát, kiểm tra" - Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Cũng vẫn đề thi cử, Ban Dân nguyện cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tại các địa phương còn hình thức, thiếu hiệu quả nên không chủ động phát hiện được sai phạm.
Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại chưa nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định làm căn cứ để xử lý đối với kết quả thi của các thí sinh được nâng điểm nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn các trường đại học xem xét kết quả của các thí sinh gian lận điểm thi này.
"Việc xử lý các cá nhân, tập thể của bộ trong việc để xảy ra những tiêu cực nêu trên cũng không được nhắc đến trong các văn bản trả lời với cử tri" - báo cáo của Ban Dân nguyện chỉ rõ.
Cho ý kiến báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề: "Đối với thí sinh, phụ huynh có liên quan đến gian lận thì xử lý như thế nào? Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri nhiều nơi thì cử tri đều đặt vấn đề về chuyện này. Vì vậy đề nghị tới đây cần trả lời rõ".
Cũng trong hôm nay, UBTVQH cho ý kiến báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp QH thứ 7 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ), dự kiến khai mạc ngày 21-5 tới đây.
Theo đó, MTTQ đã tổng hợp được 1.915 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH.
Đáng chú ý, cử tri và nhân dân cho rằng một số quy định của ngành giáo dục và chính quyền địa phương vẫn còn bất cập, việc “chạy theo thành tích” vẫn tồn tại; các vụ “bạo lực học đường” liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi; sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong nhân dân.
Đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục có giải pháp hữu hiệu chống “bệnh thành tích” và khắc phục các yếu kém, vi phạm khác trong ngành, nhất là tại các cơ sở giáo dục; các ngành, các cấp, các địa phương và toàn xã hội cùng chung tay với ngành giáo dục để khắc phục hạn chế, góp phần tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm, theo dõi việc xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La; hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý sai phạm.
"Cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội" - báo cáo của MTTQ nêu rõ.
Cử tri và bhân dân cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, khắc phục triệt để những hạn chế trong tổ chức thi của các năm trước, trước hết là những “lỗ hổng” trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, ngăn chặn kịp thời gian lận trong thi cử của năm học 2019 - 2020.
Đề nghị tước bằng lái xe vĩnh viễn tài xế sử dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn
Báo cáo của MTTQ cũng cho biết cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong xã hội; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng tiếp tục xảy ra; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Phó chủ tịch QH Quốc Hiển đề nghị QH xem xét trong số các vấn đề bức xúc nổi cộm, có thể ra nghị quyết cho thực hiện ngay, không cần đợi sửa đổi, bổ sung các luật.
"QH cần ra nghị quyết kịp thời là để đẩy nhanh việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc, đảm bảo an toàn xã hội. Như tình trạng tai nạn giao thông bức xúc, người dân đề nghị phải sửa đổi quy định, có chế tài với lái xe sử dụng ma túy, lái xe uống rượu gây tai nạn thì phải bị tước bằng lái vĩnh viễn" - ông Phùng Quốc Hiển kiến nghị.