Phạt học sinh quỳ gối: Dạy hay làm nhục?

Thứ hai, 13 Tháng 5 2019 09:32 (GMT+7)
Hình ảnh nam sinh lớp 9 bị cô giáo phạt quỳ gối ở huyện Thường Tín, Hà Nội làm nảy sinh những ý kiến trái chiều về phương pháp giáo dục học sinh

Hai ngày nay, mạng xã hội xôn xao về hình ảnh một nam sinh bị cô giáo bắt phạt quỳ ngay giữa giờ học. Nam sinh này đang học lớp 9B Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín). Tiết học do cô giáo Lê Thị Quy - giáo viên chủ nhiệm của lớp - giảng dạy.

Là hành vi bạo lực

Phụ huynh của nam sinh đã làm đơn gửi lên UBND huyện Thường Tín và Phòng Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu làm rõ sự việc con trai mình bị giáo viên phạt quỳ ngay giữa lớp học. Gia đình của nam sinh này cho biết cách đối xử của cô giáo với con của họ là không thể chấp nhận được. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Tín đã tạm đình chỉ cô giáo Quy một tuần để làm rõ sự việc trên.

Chị Nguyễn Hương - một phụ huynh sống tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội - cho rằng cần phải thông cảm với các thầy cô giáo. Phụ huynh này cho rằng áp lực lên lớp của các thầy cô không phải là nhẹ và thực tế với những học sinh cá biệt, học sinh hư cần phải "thương cho roi cho vọt", phải bị phạt nặng học sinh mới tỉnh ngộ để trưởng thành. "Lứa chúng tôi thầy giáo bắt quỳ gối lên gai mít để thật đau mà nhớ. Cũng nhờ đó mà chúng tôi có ngày hôm nay" - chị Hương nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Luật sư Trịnh Đức Tiến, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho rằng hành vi bắt học sinh quỳ gối đã xâm hại đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người. Đó là phương pháp trái quy tắc, đạo đức nghề nhà giáo. "Hành vi này có thể xử lý kỷ luật hoặc có thể bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác", theo điều 155 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, ở trường hợp này do hành vi chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên không thể xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác", chỉ có thể xử lý kỷ luật giáo viên" - luật sư Tiến nói.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cũng khẳng định Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật khác cấm tuyệt đối các biện pháp trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, bắt quỳ gối. Đó là những hành vi bạo lực, sỉ nhục người khác, cần bị xử phạt hình sự, hành chính hoặc các biện pháp kỷ luật của nhà trường.

Phạt học sinh quỳ gối: Dạy hay làm nhục? - Ảnh 1.

Học sinh bị cô giáo phạt quỳ ở Hà Nội. (Ảnh cắt từ clip)

Phản cảm và thiếu ý nghĩa giáo dục

Thừa nhận giáo viên hiện nay gặp nhiều áp lực nhưng chính nhiều người trong cuộc khi được hỏi lại bày tỏ quan điểm không đồng tình với hình phạt bắt học sinh phải quỳ. Bà Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hiệp Cường (Hưng Yên), nhấn mạnh quan điểm cần phải có biện pháp nghiêm khắc với học trò hư nhưng phản đối các hành vi phản giáo dục như đánh, quật, bắt quỳ. "Việc bắt học sinh quỳ là quá phản cảm, nhất là với học sinh cuối cấp THCS, đầu cấp THPT. Độ tuổi dậy thì của trẻ luôn là giai đoạn giáo dục khó khăn của cả phụ huynh và nhà trường. Ở tuổi này trẻ đã ý thức được lòng tự trọng, thậm chí cái tôi của trẻ rất lớn nên hình phạt này khiến trẻ cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương, xấu hổ trước bạn bè, thầy cô. Các em cũng sẽ cảm thấy không phục khi giáo viên phạt mình chỉ thỏa mãn sự giận dữ" - bà Huế phân tích.

Theo hiệu trưởng này, giáo viên có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau vì với học sinh cá biệt thì nhắc miệng sẽ không hiệu quả. "Giáo viên không "cứng" thì học sinh sẽ hư. Tôi ủng hộ các biện pháp như phạt học sinh đứng một mình, viết kiểm điểm, lao động công ích, dọn vệ sinh lớp học, dọn nhà vệ sinh ở trường từ 3-5 ngày. Đó là giải pháp phù hợp" - bà Huế nói. Bà cũng nhấn mạnh đến việc xã hội nhìn vấn đề từ hai chiều vì nếu gia đình không kết hợp với nhà trường mà đổ toàn bộ trách nhiệm dạy dỗ con cái cho giáo viên và nhà trường thì "rất không ổn".

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thừa nhận những áp lực mà giáo viên đang đối mặt. Ông Lâm cho hay hoàn toàn chia sẻ áp lực với giáo viên nhưng không cho phép có những hành vi phản giáo dục. "Có thể họ muốn làm tốt cho học sinh nhưng kết quả nhận về lại là ngược lại. Phần lớn giáo viên đang nghĩ sao làm thế mà không nghĩ sâu xa hơn rằng có cách nào làm tốt hơn không? Không nhất thiết phải cứng rắn mà cần có những giải pháp khác. Thuyết phục là quan trọng. Nhiều trường hợp thuyết phục, trao đổi với phụ huynh, học sinh thì hiệu quả hơn" - TS Lâm nói. 

Không nên đối đầu với học sinh

Ông Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng nhiều giáo viên hay nóng vội, nghĩ mình "không xử ngay thì mình thua nó". "Tôi cho rằng một giáo viên giỏi phải là người không được buông xuôi, thả lỏng nhưng cũng không được xúc phạm nhân cách học trò. Nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy. Do không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến thì rất dễ mắc sai lầm trong quá trình giáo dục. Khi giáo viên có xung đột với học sinh sẽ phải chuyển ngay cho thầy cô chủ nhiệm hoặc lãnh đạo trường giải quyết chứ tuyệt đối không được đối đầu".

Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục