Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 13-5 có bài viết "Phạt học sinh (HS) quỳ gối: Dạy hay làm nhục?" phản ánh việc cô Lê Thị Quy - giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 9B Trường THCS Tô Hiệu (TP Hà Nội) - phạt HS quỳ gối trong lớp học, nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà giáo cho rằng hành động trên đã thể hiện sự bất lực của người thầy.
Đừng đổ lỗi cho áp lực
Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã đình chỉ giảng dạy một tuần với GV Lê Thị Quy. Theo lý giải của cô Quy, cô làm theo đề nghị của phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng dù với bất cứ lý do gì, việc phạt HS quỳ gối trong lớp học cũng là hành động khó chấp nhận, thể hiện sự non yếu của người thầy trong xử lý các tình huống sư phạm.
GV một trường THPT tại quận 7, TP HCM cho rằng nhà trường ngoài dạy chữ còn là nơi HS kết nối các mối quan hệ, là xã hội thu nhỏ. Với những mối quan hệ thầy trò không mấy tốt đẹp, quá trình hình thành nhân cách và trí tuệ của HS sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nghề giáo vốn nhiều áp lực nhưng đừng nên đổ lỗi cho áp lực và bao biện cho những hành vi xấu xí. "GV không giỏi chuyên môn và không có kỹ năng ứng xử dễ khiến HS trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực tinh thần" - GV này nói.
TS Võ Văn Nam - giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP HCM - cho rằng xét về mặt pháp lý, đó là hành động vi phạm pháp luật vì xúc phạm đến thân thể người khác. Xét về mặt tâm lý, GV này đã ứng xử sai trái, ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của học trò.
Theo TS Nam, đạo lý từ thời phong kiến, thời cụ Nguyễn Đình Chiểu (còn gọi là Đồ Chiểu) từng nói rằng: "Phép dạy trẻ chớ ra oai bặm trợn". Có nghĩa là người thầy không nên xúc phạm đến cơ thể, gây đau đớn, mệt mỏi lên học trò. Chính những đớn đau cả về thể xác lẫn tinh thần sẽ cản trở sự phát triển nhân cách của các em. "Đó còn là một hình thức đối đầu, đi ngược lại với đạo lý thầy trò xưa nay. Còn rất nhiều phương pháp khác như thuyết phục, cảm hóa các em. Chính những biện pháp nhân văn ấy mới tạo xúc cảm trong lòng mỗi HS, tạo hứng thú cho các em, ở lại trong tâm trí học trò. Cái gì đi vào tâm trí mới thường trú lâu được" - TS Nam cho hay.
Dạy trẻ bằng tình thương tốt hơn hình phạt. Trong ảnh: Lễ tri ân và trưởng thành của Trường THPT Gia Định (TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Dạy trẻ bằng hành vi tích cực
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, GV Trường Song ngữ Quốc tế Horizon, cho rằng xã hội đang lên tiếng với nhiều biểu hiện bạo lực học đường nên thầy cô giáo cần bình tĩnh để chọn một hình phạt có tính răn đe và có ý nghĩa giáo dục hơn. "Giáo dục hướng đến cá thể không chấp nhận những cách phạt như thế" - cô Diệp nói.
Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên (cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft), đã qua thời người thầy là vua trong lớp học. Ngày nay, vai trò của người thầy cần thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới. "Nếu thầy bắt trò phục tùng mà không để cho trò tâm phục khẩu phục, tự giác, tự điều chỉnh mà cứ áp đặt sẽ dễ gây mâu thuẫn. Bắt phạt quỳ cũng là một biểu hiện của bạo lực. Giáo dục bằng bạo lực sẽ hình thành bạo lực. Trách phạt khác trừng phạt" - cô Diễm Quyên bày tỏ.
Theo cô Quyên, mỗi trường cần thống nhất thưởng phạt rõ ràng, minh bạch, theo hướng khen hành vi tích cực. Chẳng hạn, toàn bộ HS hiểu rõ làm gì sẽ bị phạt và làm gì tốt sẽ được khen thưởng để khi nhận thưởng hay phạt, các em tâm phục khẩu phục. Mặt khác, phạt để lần sau không tái phạm, chứ không được xúc phạm nhân cách hoặc xâm phạm thân thể trẻ.