Tăng tốc ôn luyện đến sát ngày thi

Thứ tư, 22 Tháng 5 2019 08:36 (GMT+7)
Các lớp ôn kiến thức, luyện đề đang diễn ra gấp gáp khắp cả nước để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia diễn ra sau hơn 1 tháng nữa

Tại TP HCM, nhiều trường THPT vừa sắp xếp hoàn tất chương trình năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa tăng tốc ôn tập cho học sinh (HS) đến sát ngày thi. Nhiều trường lên kế hoạch ôn thi đến ngày 21-6, thậm chí ở các trường tư thục, giáo viên (GV) hỗ trợ ôn tập, dò bài cho trò đến 21 giờ.

Ráo riết phụ đạo, dạy kèm

Bà Hoàng Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (quận Thủ Đức, TP HCM), cho biết hiện trường có 550 HS khối 12, để ôn tập kỹ càng cho các em, nhà trường chia thành 2 giai đoạn: từ ngày 6 đến 25-5 và từ 27-5 đến khoảng 22-6. Ở giai đoạn này, các em ôn tập theo tinh thần đăng ký tự nguyện và có thu phí. Đối với HS yếu sẽ có GV phụ đạo riêng. Cũng theo bà Hảo, nhà trường đã họp cha mẹ HS khối 12 và thông báo kết quả học tập của HS. Bên cạnh đó, trường cũng đã gửi kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12 để phụ huynh nắm rõ và đăng ký theo tinh thần tự nguyện.

Tăng tốc ôn luyện đến sát ngày thi - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (TP HCM) đang ráo riết ôn tập Ảnh: ĐẶNG TRINH

Hầu hết các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) đều dốc toàn bộ lực lượng GV để ôn tập cho HS một cách chu đáo nhất. Tại Trung tâm GDTX Chu Văn An (quận 5), ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc trung tâm, cho biết nơi đây dự kiến ôn tập cho HS đến ngày 20-6 và không thu phí. Trung tâm có 4 lớp 12 với gần 200 HS, sau khi hoàn tất chương trình của năm học, sẽ chia các em thành 5 lớp (1 lớp ban tự nhiên, 4 lớp ban xã hội) để giảm sĩ số của từng lớp, giúp GV theo dõi sát sao việc ôn tập của các em.

Trong khi đó, nhiều trường tư tổ chức ôn bài tới khuya cho HS theo cách một thầy kèm một trò. Tại Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh), bên cạnh việc ôn tập các môn chính để thi tốt nghiệp là văn, toán, ngoại ngữ, trường còn phân chia theo lớp dựa vào việc chọn bài thi khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và khối thi mà HS đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ trước đó để tăng tiết ôn tập từng môn phù hợp. Ngoài ca sáng và ca chiều, trường còn ôn tập cho HS tới khoảng 21 giờ, GV bộ môn đều có mặt ở trường, hỗ trợ HS.

Theo ghi nhận của chúng tôi, phương pháp ôn tập hiện nay ở các trường cho HS có nhiều đổi mới. Ngoài hệ thống lại kiến thức nền trong sách giáo khoa còn có những dạng đề mở, ôn tập theo chuyên đề, ngoại khóa để HS nắm kiến thức chắc hơn.

Ông Đỗ Minh Hoàng cho biết tại Trung tâm GDTX Chu Văn An, HS được ôn tập vào các buổi sáng. Vào buổi chiều, GV từng bộ môn sẽ phụ đạo củng cố kiến thức cho HS yếu. GV có thể ôn theo chuyên đề, cho HS làm các dạng đề, dò bài cho các em không theo kiểu truyền thống là học thuộc lòng mà theo hình thức làm các câu hỏi trắc nghiệm kiến thức.

Bên cạnh đó, các tổ bộ môn đều có kế hoạch ôn tập theo hình thức ngoại khóa. Ví dụ ở môn lịch sử, tiết ngoại khóa với chủ đề "Hành trình theo dòng lịch sử", chia theo giai đoạn với các câu hỏi đố vui có thưởng, nội dung câu hỏi liên quan đến phần kiến thức ôn tập thi THPT quốc gia của môn này. Việc đổi mới hình thức ôn tập nhằm tạo cho HS không khí học tập thoải mái, vui vẻ. Dự kiến đầu tháng 6, trung tâm sẽ tổ chức thi thử cho HS.

Tập dượt để 100% đậu tốt nghiệp

Các trường THPT của TP Hà Nội hiện đang chú trọng tập dượt cho HS kỹ năng làm quen với kỳ thi THPT quốc gia. Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa), cho hay với một kỳ thi có hầu hết các môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, việc cho HS làm quen với hình thức này đã được lồng ghép trong các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Việc phụ đạo cho HS có học lực trung bình, yếu cũng đã được triển khai từ rất sớm.

Theo ông Lê Văn Thuyết, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh A (tỉnh Ninh Bình), trường này đang trong giai đoạn bồi dưỡng cao điểm nhằm giúp HS có tâm lý, kỹ năng tốt trước khi bước vào kỳ thi. Ông Thuyết cho biết thêm ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm 100% HS tốt nghiệp THPT và có điểm xét tuyển ĐH cao. Trường đã chủ động lựa chọn GV tốt nhất, từ chủ nhiệm đến GV bộ môn để chăm lo, bồi dưỡng cho khối lớp này, đồng thời thường xuyên tổ chức các kỳ thi, kiểm tra nhằm phân loại, sàng lọc. "Chúng tôi sẽ tổ chức các lớp để bồi dưỡng những HS có nguy cơ bị điểm liệt" - ông Thuyết nhấn mạnh.

Theo ông Thuyết, tình trạng học lệch ở trường vẫn diễn ra, một số em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên, không học các môn xã hội hoặc ngược lại. Có những em chỉ tập trung vào môn sẽ xét tuyển ĐH. Thêm vào đó, tỉnh Ninh Bình từng có những học sinh trường chuyên có điểm xét tuyển ĐH lên tới 24 nhưng do 1 môn bị điểm liệt mà trượt tốt nghiệp.

Ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, cho rằng trường hợp thí sinh trường chuyên có môn bị 1 điểm là bài học nhắc nhở các thí sinh ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay. 

Luyện kỹ năng làm bài thi

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên, cho biết sở này đã chỉ đạo các trường đổi mới dạy học và việc ôn tập cho HS ngay từ đầu năm học, bảo đảm yêu cầu dạy học và hỗ trợ rèn luyện kỹ năng làm bài thi. Hưng Yên cũng tổ chức thi thử cho HS lớp 12 để kỳ thi THPT đạt kết quả cao nhất.

Hoàng Lan Anh - Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục