Phải sau gần 1 năm xảy ra vụ gian lận thi tốt nghiệp THPT quốc gia chấn động dư luận cả nước mới có những kết quả điều tra đầu tiên khi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa kết thúc điều tra vụ án. Trong đó, cơ quan điều tra đã làm rõ về động cơ sửa bài thi, điểm thi; cách thức các bị can thực hiện việc sửa bài thi, điểm thi của từng thí sinh; mức độ can dự của từng cá nhân trong đường dây gian lận thi cử có tổ chức này.
Trong khi đó, các cuộc điều tra vụ gian lận thi cử vẫn đang tiếp tục ở 2 tỉnh Hà Giang và Hòa Bình với tổng cộng 11 bị can nguyên là các cán bộ công tác trong ngành giáo dục và công an bị khởi tố, tạm giam.
Vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 phát hiện đầu tiên ở Hà Giang rồi tới Sơn La và Hòa Bình gần 1 năm trước đã bùng phát thành một vụ bê bối thi cử nghiêm trọng nhất từ trước tới nay ở nước ta. Nghiêm trọng không chỉ bởi mức độ trắng trợn nâng từ vài điểm tới gần 30 điểm cho hàng trăm thí sinh mà còn ở con số 19 cựu cán bộ giáo dục và công an nhúng chàm...
Gian lận thi cử có thể làm thay đổi số phận, tước đoạt tương lai của hàng trăm thí sinh xứng đáng. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra như những thí sinh được nâng điểm là ai? Vì sao những thí sinh này được nâng điểm? Động cơ, mục đích nâng điểm là gì? Ai đứng đằng sau, chịu trách nhiệm chính của từng trường hợp gian lận?... Chưa nói tới 2 vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra, nhìn vào kết luận điều tra vụ án gian lận thi cử ở Sơn La đã thấy nhiều điều dư luận bức xúc đặt ra vẫn chưa được làm rõ.
Đáng chú ý, khi trong kết luận điều tra vụ án gian lận thi cử ở Sơn La có lời khai của 1 bị can nguyên là phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này rằng "sếp" trực tiếp là giám đốc sở đã "gửi gắm" 8 trường hợp để nâng điểm. Rất tiếc, lời khai này chưa được làm sáng tỏ.
Tại Hà Giang, việc điều tra chưa kết thúc nên chưa biết làm sáng tỏ vụ thí sinh là con vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh này được nâng điểm cũng như động cơ, mục đích của việc làm này là gì?
Vụ bê bối gian lận thi THPT quốc gia 2018 cần phải xử lý nghiêm minh để lấy lại niềm tin của người dân vào một trong những kỳ thi quan trọng nhất, vào nền giáo dục nước nhà và đặc biệt là niềm tin vào công lý, công bằng xã hội. Muốn vậy, cần xử lý thích đáng tất cả những cá nhân, tổ chức sai phạm, bất kể ở cương vị hay lĩnh vực nào, tuyệt đối không có bất kỳ vùng cấm. Có như thế mới triệt tới gốc rễ của gian lận thi cử, đồng thời răn đe cho bất kỳ ai muốn lợi dụng vị trí, chức trách nhiệm vụ của mình để tìm cách thay đổi kết quả thi cử trong tương lai.
Việc gian lận thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 xảy ra ở 3 tỉnh với hàng trăm trường hợp cho thấy có những "lỗ hổng" trong quy chế, cách thức tổ chức thi. Cần rà soát, khắc phục tối đa những hạn chế dẫn tới những "lỗ hổng" này, không để tái diễn trong kỳ thi mới đang cận kề.