Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết sở đã tham mưu với UBND TP HCM thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thi THPT quốc gia để chuẩn bị và tạo điều kiện tốt nhất cho việc tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
TP HCM: Quán triệt yêu cầu tổ chức thi
Sở GD-ĐT TP HCM đã họp với 6 trường ĐH để thống nhất công tác phối hợp tổ chức thi. Đồng thời, triển khai các quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; chỉ đạo và kiểm tra các trường phổ thông trong việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học, tổ chức ôn tập thi THPT quốc gia theo các văn bản hướng dẫn của bộ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ kiểm tra trang thiết bị phục vụ việc chấm thi ở Sơn La Ảnh: QUỲNH TRANG
Sở GD-ĐT TP HCM cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, giáo viên và thí sinh có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác tổ chức kỳ thi, thực hiện nghiêm túc quy chế thi; chỉ đạo và hướng dẫn các trường phổ thông tổ chức họp phụ huynh học sinh lớp 12 để quán triệt các yêu cầu tổ chức thi, đăng ký các môn tự chọn.
Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã chuẩn bị danh sách các điểm thi, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát, cán bộ chấm thi nhằm phục vụ hội đồng thi; tập huấn về công tác coi thi và nghiệp vụ cho các ban phách, ban chấm thi.
Thông tin từ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết số thí sinh dự thi năm nay là 71.045, trong đó 62.625 em đang học tại các trường THPT, 8.420 em học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do.
Về phối hợp tổ chức coi thi, ông Hiếu cho biết ĐHQG TP HCM coi thi tại các quận: 1, 9, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Trường ĐH Y Dược TP HCM có thí sinh các quận 6 và huyện Củ Chi. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có thí sinh các quận: 2, 4, 7, 8 và huyện Cần Giờ, Nhà Bè.
Hà Nội: Lưu ý đặc biệt việc in sao, bảo mật đề thi
Ngày 17-6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý - Trưởng BCĐ thi THPT quốc gia 2019 của TP - đã chủ trì cuộc họp BCĐ.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết đến thời điểm này, sở đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn cho điểm thi, kiểm tra hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Các trường ĐH cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019. Cùng với việc chuẩn bị đủ hồ sơ điểm thi, BCĐ thi đã ban hành công văn hướng dẫn coi thi, tổ chức cho cán bộ, giáo viên các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội học tập quy chế thi, hướng dẫn coi thi, chấm thi. Vào ngày 21-6, BCĐ thi sẽ tổ chức hội nghị triển khai công tác coi thi kỳ thi THPT quốc gia.
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, toàn TP Hà Nội có 125 điểm thi, 3.119 phòng thi; 7.755 cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi; 1.376 nhân viên, an ninh, trật tự viên phục vụ tại các điểm thi. Theo ông Đại, các quận, huyện đã hoàn tất việc xây dựng chi tiết kế hoạch tổ chức kỳ thi, phân công nhiệm vụ cụ thể các phương án xử lý, kịp thời khắc phục tình huống xảy ra cũng như chuẩn bị về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật. Các trường ĐH cũng đã cử đủ cán bộ, giảng viên tham gia công tác coi thi, chấm bài thi tự luận.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, các đơn vị phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thi, an ninh bên trong và bên ngoài điểm thi, điện, nước, PCCC, y tế… Ông Quý đặc biệt nhấn mạnh công tác in sao đề thi, bảo mật đề thi, hướng dẫn công tác coi thi để phát hiện kịp thời gian lận thi cử. Đồng thời, yêu cầu các quận, huyện phải kiểm tra thật kỹ công tác chuẩn bị ở các điểm thi để có phương án tốt nhất trên địa bàn.
Sơn La - Hòa Bình: Kiên quyết không để xảy ra sai phạm
Trong khi đó, để lấy lại niềm tin đối với xã hội sau vụ tiêu cực thi cử gây chấn động năm rồi, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La năm 2019 - cho biết đã thành lập 11 đoàn công tác đến kiểm tra tại các điểm tổ chức thi, mua sắm camera để giám sát tại các điểm thi, nơi quản lý đề thi, bài thi, nơi chấm thi. Công tác kiểm tra giám sát được BCĐ thi tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm.
Năm 2019, Sơn La có 10.608 thí sinh đăng ký dự thi tại 33 điểm thi, với 453 phòng thi. Để phục vụ kỳ thi, Sơn La đã điều động gần 1.400 cán bộ làm công tác coi thi, phục vụ thi. Ngoài 855 cán bộ, giáo viên của tỉnh, 540 cán bộ coi thi, giám sát từ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội, Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, Trường CĐ Sư phạm Điện Biên và Trường CĐ Sư phạm Hòa Bình đã được huy động.
Ông Nguyễn Văn Chiến khẳng định Sơn La đã phối hợp với các trường ĐH, CĐ để chuẩn bị tốt điều kiện cần thiết về nhân sự cho kỳ thi. Lãnh đạo các ban của hội đồng thi đều do cán bộ các học viện, trường ĐH, CĐ đảm nhiệm. Cán bộ được lựa chọn tham gia các khâu của kỳ thi phải bảo đảm theo quy chế, được công an thẩm định tư cách và nhân thân. Việc phân công tại các điểm thi bảo đảm trong mỗi phòng phải có một giám thị là người của các trường ĐH. Ngoài ra, mỗi điểm thi đều có cán bộ giám sát của các trường ĐH, CĐ phối hợp.
Tại một điểm nóng khác là Hòa Bình, lãnh đạo BCĐ thi của tỉnh cũng cho biết mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã sẵn sàng.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Hòa Bình - Trưởng BCĐ thi của tỉnh, cho hay tỉnh này có 8.993 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hơn 7.600 thí sinh THPT, hơn 1.000 thí sinh giáo dục thường xuyên và gần 300 thí sinh tự do. Hòa Bình đã bố trí 37 điểm thi với 393 phòng thi. Số cán bộ tham gia quản lý, coi thi, giám sát, phục vụ kỳ thi là 1.632, trong đó hơn 500 cán bộ đến từ 4 trường ĐH, học viện. "Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình là kiên quyết không để xảy ra sai phạm. Đây là quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị địa phương" - ông Nguyễn Văn Chương nhấn mạnh.
Kiểm tra công tác thi tại Hòa Bình và Sơn La, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị tất cả cán bộ tham gia công tác thi tại địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế. Về khu vực in sao đề thi, khu vực chấm thi tự luận, trắc nghiệm của 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La, ông Độ cho rằng mỗi điểm thi có đặc điểm về cơ sở vật chất, khoảng cách với nhà dân, độ cao tường rào, cách bố trí các phòng thi… khác nhau. Do đó, BCĐ thi phải đi thực địa, làm việc trước với điểm thi để biết cách bố trí phòng thi, điều kiện thực tế nhằm đưa ra kế hoạch bố trí nhân sự giám sát, các phương án tổ chức…
Tập huấn kỹ cán bộ thanh tra
Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, lưu ý các địa phương tập huấn thật kỹ cho từng cán bộ thanh tra. "Thanh tra mà chung chung là không ra được việc" - ông Bằng nói.
Theo Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cán bộ thanh tra phải chịu trách nhiệm liên đới đối với sai phạm tại khu vực mình được phân công phụ trách. Vì thế, mỗi cán bộ thanh tra phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân.