Sáng 25-6, thí sinh (TS) đã thi xong ngữ văn - môn thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019 - với tâm trạng thoải mái vì đề thi quen thuộc, thậm chí "trúng tủ". Nhiều TS cho biết không khó để đạt được điểm thi trên trung bình.
Môn văn: Phổ điểm sẽ chủ yếu ở 6-7
Tại điểm thi Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP HCM), TS Nguyễn Quốc Bảo, học sinh Trường THPT Marie Curie, cho biết em học khối A nhưng với đề thi này, em làm được khoảng trên 6 điểm. Cấu trúc đề thi với 2 phần rõ ràng, quen thuộc; những bài thơ, đoạn trích trong đề thi không xa lạ với học sinh nên em nghĩ TS nào cũng làm được với mức điểm trên trung bình.
Thí sinh phấn khởi sau ngày thi đầu tiên tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Khuyến (quận 10, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng học sinh trường THPT Marie Curie, em Đặng Phương Trang đánh giá nội dung phần đọc hiểu thực tế, bám sát đời sống. Phần văn học thậm chí còn "trúng tủ" nên chắc chắn em đạt điểm khá trở lên.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn (TP HCM), nhận xét đề thi vừa sức với học sinh THPT, các câu hỏi rõ ràng có liên kết mạch lạc trong chuỗi suy nghĩ và cảm xúc của học sinh.
Cụ thể, phần đọc hiểu (3 điểm) hệ thống câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng; đoạn thơ trích "Trước biển" của Vũ Quần Phương dễ hiểu. Các câu hỏi 1, 2, 3 của phần này vừa sức, riêng câu 4 thể hiện khả năng cảm thụ và suy tưởng của TS. Câu này cũng có thể dùng để phân loại TS. Ở phần làm văn (7 điểm) đề tài quen thuộc, dễ dàng tìm dẫn chứng thực tế cuộc sống, phù hợp với khả năng tư duy học sinh. Câu nghị luận văn học là đoạn trích trong tác phẩm "Ai đặt tên cho dòng sông" hay, nhiều ý để TS khai thác, đề vừa sức học trò, nhẹ nhàng, phù hợp thời gian làm bài.
Với đề thi này, TS trung bình có thể đạt 6 điểm, khá giỏi có thể đạt 8 điểm, giỏi có thể 9-10 điểm nhưng sẽ chiếm số lượng ít.
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM), nhìn nhận tổng thể đề thi không có quá nhiều thay đổi và khác biệt so với năm 2018 và đề thi minh họa mà bộ công bố trước đó. Cả về cấu trúc đề và cách hỏi. Tuy nhiều giáo viên kỳ vọng và trông đợi ở một đề thi mang tính đột phá, mới mẻ hơn nhưng nhìn chung đề thi an toàn với những TS dùng để xét tốt nghiệp và cả xét tuyển ĐH, CĐ. "Việc phân tích và cảm nhận một hình tượng trong bút ký có vẻ gây khó cho TS. Từ năm 2014 đến nay mới có lại dạng đề phân tích hình tượng trong bút ký. Việc lựa chọn này khiến TS phải học bài kỹ, khi viết phong phú thì làm câu này tốt" - thầy Đức Anh nhận xét.
Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Tổ trưởng Tổ văn Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nhận định đề thi đúng với tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo là bám sát chương trình lớp 12, phần nghị luận văn học nằm ở bài cuối chương trình học kỳ 1 lớp 12. Đề thi ra đoạn văn nhẹ nhàng, trích dẫn nguyên đoạn, không như các đề trước đây buộc học sinh phải thuộc. Ngay ở câu 3 và 4 phần đọc hiểu đã thể hiện sự phân hóa tốt. Nhưng ở phần này, em nào trả lời rõ ràng mới đạt điểm tối đa. "Ở phần nghị luận xã hội, dữ liệu về điểm dễ dàng, viết về ý chí thì TS nào cũng đã làm quen qua các sự kiện xã hội gần đây. Vấn đề là các em viết như thế nào để "ăn" điểm. Năm nay, dự báo điểm 6, 7 sẽ nhiều" - cô Oanh dự đoán.
Môn toán: Không khó để được 7-8 điểm
Ở buổi thi môn toán, nhiều TS sau khi ra khỏi phòng thi cho biết đề thi không khó để đạt điểm 7. Nhiều giáo viên thừa nhận đề dễ hơn năm ngoái. Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng đề toán dễ, độ phân hóa cao. Cấu trúc đề thi tương đương, sát sườn đề thi tham khảo mà bộ ra. Kiến thức lớp 10, 11 chiếm 1 điểm. Còn 9 điểm là kiến thức lớp 12, đó là lợi thế cho các em. Tuy là từ câu 1 đến câu 30, đề nhẹ nhàng nhưng từ câu 40 về sau phải thật sự giỏi và có chút may mắn các em mới lấy được điểm. Tuy nhiên, nhiều giáo viên tiếc là đề toán ứng dụng, toán thực tế không hay như đề năm trước.
Thầy Nguyễn Quốc Chí, giáo viên của Trung tâm Tuyensinh247.com, đánh giá cấu trúc đề toán rõ ràng hơn năm 2018 về độ khó. Không còn tình trạng đảo lộn câu hỏi khó dễ như năm 2018. Từ câu 1 đến 30, học sinh dễ dàng hoàn thành. Từ 31 đến 40 (thông hiểu), TS có ý thức học từ đầu năm hoàn toàn có thể làm nhanh được những câu này.
Tuy nhiên, vẫn có một vài câu hỏi ví dụ như câu 34, câu 40 của mã đề 120 nên để ở phần cơ bản thì sẽ hợp lý hơn. Nhóm câu từ 41-45 (vận dụng), độ khó đã khác biệt hẳn so với 40 câu trước đó. Nhưng dạng bài lại khá quen thuộc. Ở nhóm 46-50 (vận dụng cao), để làm được những câu mà học sinh ngoài nền tảng kiến thức vững, cần thêm chút nhạy cảm toán học. Câu 49, câu 50 mã 120 cũng khá mới.
"Với kinh nghiệm luyện thi, giảng dạy, tôi đánh giá phổ điểm năm nay có thể nhích cao hơn ở mức 6-8 điểm. Đề năm nay đã giải quyết được vấn đề phân loại nhóm học sinh khá - giỏi" - thầy Chí nhận định.
Hôm nay (26-6), TS bước vào ngày thi thứ hai. Buổi sáng, TS dự bài thi khoa học tự nhiên (bài thi tự chọn), gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học; buổi chiều thi môn ngoại ngữ. Báo Người Lao Động tiếp tục đăng giải đề sau khi kết thúc môn thi tại nld.com.vn.
BÊN LỀ
Đội xe ôm miễn phí là các chiến sĩ công an
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh và góp phần bảo đảm an toàn cho kỳ thi THPT 2019, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Cà Mau đã thành lập đội xe ôm miễn phí.
Ngày 25-6, ông Lê Văn Nhựt, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Cà Mau, cho biết trong kỳ thi năm nay, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Cà Mau đã xây dựng nhiều kế hoạch và tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tiếp sức mùa thi.
Kế hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh và người nhà trong kỳ thi THPT năm nay. Qua đó, góp phần bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn.
Đội xe ôm miễn phí phối hợp chặt chẽ với các đội tiếp sức mùa thi của Tỉnh đoàn thực hiện nhiệm vụ chở thí sinh và người nhà có hoàn cảnh khó khăn đến điểm thi cũng như nơi ở an toàn.
Tin-ảnh: V.Du
Vượt suối đi tìm thí sinh
Khoảng 7 giờ 15 phút ngày 25-6, khi các thí sinh đã vào phòng thi môn văn tại điểm thi Trường THPT Đakrông (tỉnh Quảng Trị), các giáo viên phát hiện thí sinh Hồ Văn Lích (SN 2000; ngụ thôn Chân Rò, xã Đakrông) vắng mặt không rõ lý do.
Ngay sau đó, Đội Tình nguyện Tiếp sức mùa thi đoàn Trường THPT Đakrông đã cử tình nguyện viên đi xe máy vượt hơn 8 km đến nhà Lích để tìm. Khi đến nơi, thí sinh Hồ Văn Lích vẫn mãi đang tìm bò đi lạc trong rừng. Các tình nguyện viên cùng người dân tỏa đi tìm thì gặp được Lích và nhanh chóng đưa thí sinh này đến Trường THPT Đakrông kịp thời dự thi môn ngữ văn.
Đ.Nghĩa
Tiếp sức cho sinh viên tình nguyện
Sáng 24-6, Trung ương Đoàn Thanh niên - Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Bộ Giáo dục - Đào tạo đã đến thăm và tặng quà sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi 2019 tại các điểm thi THPT Nguyễn Khuyến (quận 10) và THCS Colette (quận 3, TP HCM).
Dẫn đoàn là ông Bùi Quang Huy - Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn; thành viên đoàn đã hỏi thăm những khó khăn của sinh viên tình nguyện và động viên, khích lệ sinh viên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ.
Đến nay, chương trình đã hỗ trợ sinh viên tình nguyện và thí sinh: 40.000 bản đồ thành phố, 40.000 Cẩm nang Tiếp sức mùa thi, 300 dù che, 20.000 chai nước tinh khiết, 666 thùng nước 5 lít, 11.000 bánh mì tươi, 400 thùng mì, 500 áo mưa...
Tin-ảnh: M.Anh
Kẻ trộm để lại thẻ dự thi cho nữ sinh
Tối 24-6, sau khi ôn bài, em Nguyễn Thị Quỳnh Anh - lớp 12/6 Trường THPT Trần Cao Vân (ngụ phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - để ví tiền, CMND và thẻ dự thi trên bàn để sáng 25-6 tiện lấy đi thi. Tuy nhiên, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 25-6, Quỳnh Anh thức dậy thì hoảng hồn khi phát hiện laptop, chiếc ví có khoảng 4 triệu đồng "không cánh mà bay". Lục tìm trong nhà, gia đình nữ sinh này thở phào khi phát hiện thẻ dự thi và CMND của Quỳnh Anh được tên trộm vứt lại trong nhà.
"Em cảm thấy mình khá may mắn vì không gặp rắc rối trước buổi thi. Tiền bạc mất rồi có thể làm lại chứ nếu mất các giấy tờ không thể dự thi được chắc em sốc lắm" - Quỳnh Anh chia sẻ.
Tr.Thường