Môn lịch sử tiếp tục xếp vị trí chót bảng trong tổng số 9 môn thi quốc gia khi có tới hơn 70% thí sinh không đạt được điểm trung bình.
Phổ điểm năm nay nếu nhìn một cách lạc quan là có nhỉnh hơn so với năm ngoái. Nhưng đối với các giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử thì đó không phải là một tín hiệu đáng vui vì hơn ai hết, các thầy cô biết rõ "cái nhỉnh" hơn đó đến từ đề thi. Phải khẳng định rằng đề thi lịch sử năm nay dễ hơn rất nhiều so với năm ngoái.
Nhìn phổ điểm như vậy, nỗi đau lớn nhất có lẽ không phải từ thí sinh, mà đến từ các thầy cô trực tiếp giảng dạy vì kết quả đó không phản ánh chính xác sự nỗ lực, nỗ lực đến tuyệt vọng của các thầy cô khi ôn tập cho học sinh. Một nỗi đau khác lớn hơn đến từ xã hội khi chứng kiến thế hệ trẻ của Việt Nam không thể có nổi một lượng kiến thức lịch sử mang tính cơ bản của quốc gia, của quê hương chính các em.
Nhưng nguyên nhân không hẳn đến từ các em học sinh. Thực tế có những em rất yêu thích lịch sử, học lịch sử rất tốt ở các năm học trước nhưng đến kỳ thi THPT quốc gia, các em đành phải lựa chọn một cách thực dụng để có thể đạt kết quả tốt nhất cho mục tiêu quan trọng nhất của tương lai. Đó chính là việc xét tuyển ĐH. Rất nhiều trường ĐH, ngành nghề trên ĐH đã từ chối môn sử dù ai cũng có thể chỉ ra rằng môn sử rất quan trọng cho nghề nghiệp trong tương lai như báo chí, kiến trúc..., nên học sinh chẳng mấy quan tâm đến học lịch sử cũng là dễ hiểu.
Môn sử chỉ còn xuất hiện trong tổ hợp bài thi xã hội để xét tốt nghiệp. Ngay chính trong bài tổ hợp xã hội này, môn sử lại tiếp tục bị thờ ơ vì nó là gánh nặng cho các em học sinh. Bài thi xã hội gồm có sử - địa - giáo dục công dân. Môn giáo dục công dân nội dung ôn tập nhẹ nhàng, môn địa lý có cứu cánh là Atlat thì môn sử gây lo sợ với khối lượng kiến thức quá nhiều. Cho nên sự lựa chọn của các thí sinh là học sơ sài, không có hệ thống nhằm mục tiêu không bị điểm liệt là đủ. Trong sự thờ ơ đó, nỗ lực của các giáo viên cũng như gió vào nhà trống và phổ điểm u ám đối với bộ môn lịch sử là một hệ quả tất yếu.
Trong bối cảnh học thực dụng như hiện nay, tình trạng học yếu môn lịch sử sẽ còn tiếp diễn trong các năm sau vì việc điều chỉnh độ khó, dễ của đề thi chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.
Lịch sử không đơn thuần chỉ là ghi nhớ máy móc các sự kiện diễn ra trong quá khứ mà nó là một bộ môn khoa học xã hội góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức công dân, góp phần chấn hưng dân tộc, đất nước. Trước khi trở thành một nhà khoa học ở bất kỳ lĩnh vực nào thì bất kỳ một công dân Việt Nam nào cũng phải có hiểu biết căn bản về lịch sử nước nhà. Việc môn sử xuất hiện trong hệ thống thi cử như là một yêu cầu bắt buộc là cần thiết và xác đáng.