Sáng 17/7, Hội nghị trực tuyến Công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Bộ GDĐT tổ chức tại 3 đầu cầu: Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc.
Các trường ĐH, CĐ phối hợp có hiệu quả với các địa phương, cử cán bộ đủ số lượng, chất lượng và thực hiện đúng quy chế. Chấm thi trắc nghiệm nghiêm túc, nắm vững quy trình mới, bảo mật cao, hoàn thành đúng kế hoạch.
Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với ngành, với xã hội với chất lượng nguồn tuyển, góp phần đảm bảo tính khách quan và thành công của kỳ thi. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít trường không cử đủ cán bộ để tham gia kỳ thi, có trường còn có cán bộ coi thi vi phạm quy chế.
Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 được đánh giá là đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc.
Kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt hơn 94%. Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh ĐH, CĐ và cung cấp thông tin bổ sung về chất lượng giáo dục phổ thông.
Bà Phụng cũng cho biết, việc phân tích sâu phổ điểm các tỉnh cho thấy, kết quả thi đã phản ánh trung thực chất lượng giáo dục của các địa phương, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương, các vùng, miền.
Cũng theo Bộ GDĐT, năm nay, có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia. Số thí sinh đăng ký xét tuyển: là 653.278, đạt tỷ lệ 73%.
Có hơn 2,5 triệu nguyện vọng được đăng ký, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay khoảng 489.637, tăng 7%, do trường kiểm định xác định theo năng lực. Trong đó, chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT khoảng gần 342.000, chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức khác như xét học bạ, đánh giá năng lực, kết hợp… khoảng gần 147.800. Riêng ngành sư phạm, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay khoảng 46.285, bằng 73% nhu cầu các tỉnh.
Chỉ tiêu tuyển sinh các tổ hợp năm 2019.
Theo bà Phụng, dù số chỉ tiêu tuyển sinh ĐH có tăng, nhưng hiện nay, tỷ lệ người học ĐH/độ tuổi học ĐH của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp nhất trong khu vực. Năm 2018, chỉ tuyển được 44% nhu cầu đào tạo sư phạm của các tỉnh.
Về xác định tổ hợp tuyển sinh, Bộ GDĐT cho rằng, các trường không nên sử dụng quá nhiều tổ hợp xét tuyển. Các tổ hợp truyền thống hiện đã bao quát hầu hết nhu cầu của ngành đào tạo. Cụ thể, 5 tổ hợp truyền thống đã chiếm khoảng 90% nguyện vọng, 133 tổ hợp còn lại do các trường đề xuất chỉ chiếm 10% số nguyện vọng đăng ký.
Riêng về danh sách các thí sinh trúng tuyển, Bộ GDĐT sẽ công khai toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học của các trường trong năm 2018, 2019, trên Cổng Thông tin Tuyển sinh của Bộ để người học và xã hội giám sát, thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các trường.
Cụ thể chỉ tiêu tuyển sinh theo các khối ngành.
Trong những ngày tới, Bộ GDĐT yêu cầu các trường cần đăng tải đầy đủ thông tin và trực tiếp giải đáp thắc mắc cho thí sinh, đặc biệt từ ngày 22 - 31/7 khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Các trường công bố điểm nhận hồ sơ (điểm sàn) trước ngày 22/7.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, năm nay, ngành giáo dục đã tập trung toàn lực tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp không quá cao, nhưng cũng không quá thấp, phản ánh đúng thực tế học tập của học sinh.
Riêng về giáo dục ĐH, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, cần thay đổi tư duy trong đào tạo giáo dục hiện nay, không nhất thiết phải đào tạo nhiều, nhưng phải nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp hiện nay.