Quyết tâm chuyển biến căn bản trong năm học mới

Thứ tư, 07 Tháng 8 2019 09:16 (GMT+7)
Ngành giáo dục quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục và đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 6/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu.

Hội nghị đánh giá kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong năm học vừa qua. Đồng thời, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học mới nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Dự, chủ trì tại các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố có các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các sở GD&ĐT.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm cả nước bứt phá thực hiện Nghị quyết đại hội 12 của Đảng.

Năm học này toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo.

Ngành giáo dục quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục và đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc. Trong đó tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đổi mới tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu, tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Mong muốn chất lượng GD&ĐT phát triển đồng đều

Tại đầu cầu tỉnh Khánh Hoà, lãnh đạo tỉnh báo cáo, năm học 2018-2019, toàn ngành giáo dục Khánh Hòa đã tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được kết quả nổi bật: Quan tâm rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; công tác định hướng nghề nghiệp được tăng cường, lồng ghép các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh.

Năm học tới, giáo dục Khánh Hoà tiếp tục triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học giai đoạn 2008-2020, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh. Cùng với đó, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo dạy và học sẽ được đẩy mạnh, triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm, học trực tuyến qua mạng.

Tại đầu cầu TPHCM, lãnh đạo Thành phố cho biết năm học qua, toàn thành phố có 204.362 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi. Riêng đối với học sinh tiểu học, đã có 453.881 em được khen thưởng cuối năm học với những thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện toàn diện tại nhà trường.

Đặc biệt, TPHCM có 618 học sinh đạt các giải thưởng cao trong cuộc thi cấp quốc tế, quốc gia và thành phố.

Tại đầu cầu TP. Cần Thơ, được biết, năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng. Việc triển khai Kế hoạch trường điển hình đổi mới giai đoạn 2018-2020 đã phát huy hiệu quả tích cực, tính lan tỏa rộng và có bước đột phát chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục. Góp phần giáo dục học sinh phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Trong 2 năm triển khai mô hình trường điển hình đổi mới, các trường tại TP. Cần Thơ đã huy động được tổng số tiền hơn 4,2 tỉ đồng. Việc sử dụng kinh phí vận động được thực hiện đúng theo các quy định về tài chính.

Tại đầu cầu TP. Hà Nội, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết năm học 2018-2019, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục ổn định và có bước phát triển mạnh. Cho tới nay, Hà Nội có 2.713 đơn vị trường học với gần 2 triệu học sinh. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong các đơn vị trường học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ và hiện đại.

Nhiều năm qua, ngành giáo dục Thủ đô luôn nằm trong tốp các đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Sự chuyển biến tích cực của giáo dục Thủ đô đều khắp ở các cấp học, các nhà trường.

Trong kì thi THPT quốc gia 2019, Hà Nội đứng đầu cả nước về số thí sinh 27 điểm trở lên. Tỉ lệ học sinh các khối đăng ký dự thi đại học, cao đẳng có tổng điểm đạt từ 15,0 điểm trở lên là gần 148.000 em, chiếm 76,14% trong tổng số học sinh đăng ký dự tuyển.

Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, lãnh đạo tỉnh cho biết ngành GD&ĐT Điện Biên đã tập trung nâng cao chất lượng các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong năm học qua, ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động các lực lượng, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng môi trường thân thiện, an toàn và nâng cao chất lượng tổ chức bán trú cho trẻ tại trường. Phòng GD&ĐT các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Nậm Pồ và Mường Nhé đã huy động các tổ chức xã hội hỗ trợ ăn trưa cho gần 7.000 trẻ nhà trẻ với số tiền trên 7,5 tỷ đồng.

Đầu cầu tỉnh Cà Mau, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân mong muốn có cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng. Tỉnh kiến nghị định suất đầu tư cho GD&ĐT vùng ĐBSCL cần phải được tăng lên, nhất là giáo dục mầm non. Bộ GD&ĐT cần khảo sát, đánh giá thật kỹ những khó khăn của vùng.

Cái khó lớn nhất của vùng ĐBSCL là cơ sở vật chất trường lớp, phương tiện dạy học và định suất đầu tư cho hoạt động giáo dục. Bộ GD&ĐT cần chọn lọc vấn đề cốt lõi, tích cực tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng để vực dậy chất lượng GD&ĐT của khu vực, trong 5 năm tới, ít nhất cũng bằng với bình quân chung của cả nước.

Cần thay đổi nhận thức, phương pháp và cách thức quản lý giáo dục

Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn khẳng định sự cần thiết của vấn đề rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Ông Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Đề án liên quan đến sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở đào tạo giáo viên.

Học hỏi kinh nghiệm các nước và từ thực tiễn, ông Sơn cho rằng, để triển khai đề án cần quyết tâm chính trị rất cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương là các cơ quan chủ quản.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, điều các trường đại học quan tâm là cách làm và sẽ được hỗ trợ đến đâu để quá trình hỗ trợ hợp nhất diễn ra hiệu quả.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh khẳng định đội ngũ giáo viên quyết định sự thành công đổi mới giáo dục và cho rằng việc quan trọng đầu tiên là cần thay đổi nhận thức, phương pháp và cách thức quản lý giáo dục. “Quản lý lỗi thời sẽ là vòng kim cô hạn chế sự sáng tạo của các thầy cô”, ông Minh nói.

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT cần có định chuẩn về chức danh đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, từ đó có các chương trình bồi dưỡng hiệu quả. Cùng với đó, cần công bố cụ thể số liệu thừa, thiếu giáo viên để xã hội, người học biết. Khi thấy tương lai có việc làm, học sinh giỏi sẽ vào sư phạm.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện chương trình bồi dưỡng cho các trường sư phạm, nhưng cần quyết liệt hơn, tạo sự kết nối giữa các trường đại học sư phạm, trường cao đẳng sư phạm để chuẩn bị cho công tác bồi dưỡng giáo viên.

Ông Minh cũng kiến nghị Chính phủ cần sớm cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm, để đầu tư hiệu quả. Cần tạo ra các phân khúc: Trường chủ lực, trường địa phương, kết nối để tận dụng hệ thống các trường cao đẳng để thực hiện bồi dưỡng giáo viên trong tương lai. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết ngành nội vụ luôn đồng hành cùng Bộ GD&ĐT. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để báo cáo Chính phủ quan tâm đến xây dựng thể chế nhằm thu hút đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng, việc tuyển dụng cần thực hiện công khai, minh bạch. Sẽ có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đồng thời đổi mới phương thức, chương trình bồi dưỡng.

Nhật Nam - (baochinhphu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục