Chiều 8-8, hàng loạt trường ĐH công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào trường. Do phổ điểm năm nay khá đẹp nên điểm trúng tuyển vào các trường tốp trên năm nay rất cao.
Trường tốp trên tăng mạnh
Tại Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương có điểm trúng tuyển ở mức 26. Một trường khác thuộc khối kinh tế là Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có điểm chuẩn ngành cao nhất là 26, ngành thấp nhất cũng 22,3. Trường ĐH Thương mại có mức điểm trúng tuyển 22-24, trong khi đó Học viện Tài chính cũng có mức điểm chuẩn cao nhất là 26,8; thấp nhất là 22,8.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2019 Ảnh: TẤN THẠNH
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có mức điểm chuẩn ngành cao nhất là khoa học máy tính thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin - lên tới 27,42 điểm. Điểm chuẩn vào trường thấp nhất là 20.
GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay điểm chuẩn cao nhất của trường là đa khoa 26,75, răng hàm mặt 26,4, ngành thấp nhất cũng có mức điểm chuẩn 19,9. Dù điểm chuẩn cao ngất ngưởng nhưng việc tuyển sinh của các trường tốp trên năm nào cũng hoàn tất nhanh chóng, ít khi phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung.
Tại TP HCM, mức điểm chuẩn các trường được công bố chiều 8-8 tăng ở nhiều ngành. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, ngành công nghệ thực phẩm có mức điểm cao nhất là 20,25; các ngành thuộc nhóm kinh tế có mức điểm dao động trong khoảng 17-20 điểm. ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết điểm chuẩn các ngành năm 2019 tăng hơn năm 2018 từ 0,5 đến 3 điểm, ngành có mức tăng cao nhất với 3 điểm là quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. "Mức tăng này không bất ngờ vì đề thi năm nay dễ hơn năm 2018 nên kết quả điểm thi của thí sinh tốt hơn. Hơn nữa, lượng thí sinh đăng ký tăng 5.000 và số lượng nguyện vọng tăng 6.000 so với năm 2018 nên điểm chuẩn tăng là điều đã được dự báo trước" - ông Sơn phân tích.
ThS Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết năm nay điểm chuẩn ở tất cả các ngành vào trường đều tăng, trong đó có ngành tăng hơn 3 điểm. Ông Đương cho rằng điểm chuẩn tăng vì điểm thi của thí sinh tốt hơn năm ngoái và lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, mức điểm chuẩn được PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hầu hết đều tăng ở mức từ 0,5 đến 3, tùy ngành. Theo ông Dũng, lẽ ra mức điểm chuẩn có thể tăng hơn nếu các trường tốp trên không gọi lố chỉ tiêu. Ở ngành khó tuyển sinh như công nghệ vật liệu dệt may, điểm trúng tuyển là 18 nhưng không đủ chỉ tiêu vì lượng thí sinh đăng ký ngành này thấp.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết chỉ vài ngành không tăng điểm, còn lại đều có mức điểm chuẩn tăng từ 0,5-1,5.
Nhiều nơi "vét" thí sinh
Trong khi các trường tốp trên điểm cao chót vót thì các trường ĐH vùng, các trường tốp dưới lại "vét" thí sinh với mức điểm sàn. Rất nhiều ngành của Trường ĐH Đà Lạt có điểm chuẩn ở mức chỉ 14 như ngành văn hóa học, văn học, lịch sử, Việt Nam học. Đến ngành "hot" như công nghệ thông tin, kế toán điểm chuẩn cũng chỉ 15. Các ngành khác như điện tử viễn thông, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch cũng có chung số phận khi điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức 15.
Trường ĐH Nha Trang có 34 ngành đào tạo thì cũng có tới 16 ngành có điểm chuẩn là 15; 3 ngành 15,5 điểm; số còn lại từ 16,5 đến 21 điểm. Trường ĐH Phú Yên cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngoại trừ các ngành đào tạo sư phạm lấy điểm chuẩn ở mức 18 (hệ ĐH), 16 (hệ CĐ), tất cả các ngành còn lại của trường ĐH này có điểm chuẩn vừa đủ 14.
Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM chỉ có ngành quản trị kinh doanh là mức điểm chuẩn 18,75, công nghệ thông tin 17,25, đa số các ngành đào tạo còn lại của trường chỉ dừng lại ở mức 14-15 điểm.
"Không ít trường sẽ "vét" đến điểm sàn để hy vọng tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng thực tế, dù mức điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn thì các trường ĐH địa phương, các trường tốp dưới sẽ rất khó tuyển vì thí sinh bây giờ đã rất thực tế" - một chuyên gia tuyển sinh phân tích.
Sau khi công bố điểm chuẩn, một số trường cho biết có khả năng tuyển bổ sung ở một số ngành. ThS Phạm Thái Sơn cho biết trường dự kiến tuyển sinh ở một số ngành như công nghệ chế biến thủy sản, khoa học thủy sản, công nghệ vật liệu, khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường... với 300 chỉ tiêu sẽ tuyển sinh bổ sung. Theo ông Sơn, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ngay đợt đầu tiên ở những ngành trên không nhiều nên nguồn tuyển hạn chế. TS Nguyễn Trung Nhân cho rằng ở một vài ngành hơi khó khăn nhưng trường chờ kết quả đăng ký nhập học rồi mới quyết định có tuyển sinh hay không.
Ở khối trường ĐH ngoài công lập, TS Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, cho biết trường dự kiến tuyển bổ sung khoảng hơn 200 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo...
Trường quân đội tăng, công an giảm nhẹ
Thượng tá Đỗ Thành Tâm - Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự, Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng - cho hay năm nay, các trường khối quân đội cũng có mức điểm chuẩn cao hơn năm ngoái từ 1 - 3 điểm. Học viện Kỹ thuật Quân sự có điểm chuẩn cao nhất, lên đến 26,35 điểm, trong khi đó mức điểm chuẩn cao nhất của Học viện Quân y cũng là 26,65, xấp xỉ ngành cao nhất của Trường ĐH Y Hà Nội. Học viện Khoa học Quân sự cũng có mức điểm chuẩn cao không hề kém cạnh các trường khác: 25,91 điểm. Học viện Biên phòng cũng có mức điểm chuẩn lên đến 26,5 cho tổ hợp khối C ngành biên phòng, 26,75 cho tổ hợp khối C ngành luật.
Trong khi đó Học viện Cảnh sát Nhân dân lại có mức điểm chuẩn thấp hơn hẳn mọi năm, điểm chuẩn dành cho thí sinh nam chỉ ở mức 19,61 (khối A), 19,88 (khối D) và 23 đối với khối C. Tuy nhiên, mức điểm chuẩn đối với nữ vẫn ở mức rất cao do chỉ tiêu ít, từ 26,69 đến 27,12.