TP HCM đào tạo nhân lực vươn tầm thế giới

Thứ sáu, 16 Tháng 8 2019 08:48 (GMT+7)
TP HCM đi đầu trong cả nước về nhiều lĩnh vực, trong đó đào tạo nhân lực quốc tế và sử dụng hiệu quả nhân lực quốc tế là khâu then chốt để đưa TP hội nhập và vươn tầm thế giới

Sáng 15-8, UBND TP HCM đã tổ chức hội thảo "Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP HCM giai đoạn 2020-2030". Hội thảo thu hút 52 tham luận từ các trường ĐH, sở, ngành, doanh nghiệp (DN) với rất nhiều ý tưởng từ các chuyên gia trong và ngoài nước.

Tiệm cận chuẩn mực quốc tế

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đang tập trung triển khai các bước đi để tiến tới xây dựng đô thị thông minh với nòng cốt là những con người thông minh, sử dụng các tiện ích, thành tựu khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả làm việc. Chính vì vậy, việc định hướng trong đào tạo nhân lực trình độ quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của TP HCM trong thời gian sắp tới.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, một trong những yêu cầu để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được kiến thức, kỹ năng liên tục thay đổi trong môi trường lao động mới. Điều này đặt ra cho giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An nhận định rằng TP HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí quan trọng của cả nước, cùng với Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trên toàn quốc. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT mong muốn TP tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời quan tâm, xem xét, có các chính sách hỗ trợ để các DN trên địa bàn TP HCM tham gia với các cơ sở giáo dục ĐH trong việc phát triển và đánh giá chương trình đào tạo… Về phía các trường ĐH, cần bảo đảm các chương trình đào tạo được phát triển và thực hiện đúng quy định nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu của DN và tiệm cận với các chuẩn mực đào tạo nguồn nhân lực trong khu vực và trên thế giới.

Tiền đề phát triển

Đánh giá hội thảo là bước khởi đầu hết sức có ý nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sau hội thảo này, TP sẽ hình thành chương trình để chuẩn bị đưa vào nhiệm kỳ tới của Đại hội Đảng bộ TP HCM nhiệm kỳ 2020-2025, chương trình phát triển nhân lực quốc tế của TP HCM ở một số lĩnh vực chọn lọc trong giai đoạn 5-10 năm tới.

Lý giải tại sao TP HCM yêu cầu nhân lực phải có trình độ quốc tế? Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hiện nay năng suất lao động của TP HCM gấp 3 lần cả nước. Trong khi đó, đất nước đòi hỏi TP tiếp tục đứng đầu về kinh tế, năng suất lao động gấp 3 lần và có thể còn cao hơn nữa trong tương lai. "Muốn đi đầu trong kinh tế thì phải có tiền đề, đó là đi đầu trong chất lượng nguồn nhân lực. Không đi đầu về chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến chất lượng nhân lực quốc tế thì TP không thể đi đầu về kinh tế được" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, có một thống kê ở Đức cách đây 3 tháng vừa công bố, theo đó trong vòng 8 năm qua, những nghề mới ra đời cần nhiều việc làm hơn những nghề cũ mà mất đi việc làm. "Chúng ta từng hoảng sợ mất việc làm vì tự động hóa. Nhưng không phải vậy, vấn đề là chúng ta chuẩn bị thế nào chứ không sợ mất việc làm. Nếu Việt Nam có nhân lực tốt, chúng ta sẽ làm chủ tất cả những việc gắn với tự động hóa" - ông nói.

Tuy nhiên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu thực trạng hiện nay đầu tư cho công nghệ ở nước ta thấp nhiều so với các nước. Thu nhập thấp thì trang bị kỹ thuật của chúng ta thấp. Thiết bị công nghệ lạc hậu là cái gốc của năng suất lao động thấp. Hãy cho người Việt Nam một công nghệ phù hợp và một cơ hội, họ sẽ học và làm chủ rồi chứng minh năng suất. Muốn năng suất cao phải có lao động tốt, đồng thời phải biết đầu tư đổi mới công nghệ đi kèm, cái đó là cái ta đang thiếu quan tâm. DN Việt Nam dành đầu tư cho đổi mới công nghệ kém nên chúng ta không nhanh được. "Cách đây 1 tuần, tôi tiếp 1 DN nước ngoài làm nhà máy về thiết bị điện tử, xin đăng ký ở Khu Công nghệ cao với dự án 650 triệu đô, 3.000 lao động. Người ta đến đây là có sự tin tưởng mình dù 10 năm họ đã làm ở quốc gia khác. Nói đó để thấy nhân lực là tiền đề, đừng chê nhân lực Việt Nam quá kém cỏi" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

TP HCM đào tạo nhân lực vươn tầm thế giới - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: TẤN THẠNH

Giáo dục ĐH giữ vai trò cốt lõi

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, đào tạo nhân lực quốc tế tại TP HCM còn những mặt hạn chế, như nguồn tuyển sinh viên gặp nhiều khó khăn do không đủ trình độ tiếng Anh để theo học các chương trình đạt chuẩn quốc tế. Số lượng các chương trình liên kết còn triển khai khá ít, hạn chế, chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của các trường ĐH. Mặt khác, trong thực tiễn do chưa có một khuôn khổ, định hướng cụ thể cho quốc tế hóa giáo dục ĐH nên hầu hết các trường ĐH Việt Nam đang cố gắng tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong liên kết đào tạo với nước ngoài…

Chia sẻ tại hội thảo, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG TP HCM, cho rằng nếu TP HCM sử dụng nhân lực phục vụ cho sự phát triển của mình thì TP nên có một cơ chế đặt hàng các đơn vị đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, TP cần nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh. Bởi khi hội nhập quốc tế, trình độ nhân lực quốc tế, ngoại ngữ sẽ là yếu tố then chốt. Thực tế hiện nay, khi học ĐH, sinh viên thường yếu nhất ở môn tiếng Anh. "Cho nên, tôi hy vọng chương trình đào tạo tiếng Anh sẽ được bắt đầu sớm để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội" - PGS Vũ Hải Quân nói.

Ông Vũ Hải Quân đề xuất TP và các trường ĐH nên xây dựng trung tâm cải tiến các phương pháp và công nghệ giảng dạy. Đây là điều quan trọng bởi muốn có nhân lực quốc tế, cần phải có phương pháp mới, công nghệ mới để đào tạo. Song song đó, nên hình thành mô hình ĐH dựa trên nền tảng công nghệ để các trường có thể chia sẻ kinh nghiệm, bài giảng, phương pháp, tài liệu.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, chính GD-ĐT, mà đặc biệt là giáo dục ĐH, đóng vai trò cốt lõi góp phần tạo nên chất lượng nguồn nhân lực. Và hợp tác quốc tế trong giáo dục ĐH được xem là phương án tối ưu giải quyết các khó khăn, thách thức đối với chất lượng nguồn nhân lực nước ta hiện nay. Tuy nhiên, quá trình phát triển tại Việt Nam đã phân hóa thu nhập dân cư trong nước thành 2 nhóm: nhóm thu nhập cao sẽ tiếp cận dịch vụ giáo dục có yếu tố nước ngoài và ngược lại. "Hệ quả này kéo dài sẽ tạo ra 2 nhóm đối lập là nhóm tiếp cận giáo dục nước ngoài sẽ tham gia thị trường nhân lực phân khúc cao và hội nhập toàn cầu nhanh và ngược lại. Tính bất bình đẳng này sẽ kéo dài nếu các tổ chức giáo dục công lập chậm chân quốc tế hóa" - ông Nhựt nói. 

Phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP luôn đánh giá nguồn lực quan trọng nhất của TP là lao động sáng tạo. Vậy phương châm của đào tạo nhân lực trình độ quốc tế là gì? Đó là hành động vì tập thể, nhưng trách nhiệm và nhu cầu cá nhân. Từng cá nhân, từng trường phải xem là việc của mình.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng với sự cần thiết của nhu cầu nhân lực trình độ quốc tế, TP cần có một chương trình đồng bộ để hướng tới nhân lực trình độ quốc tế trên các lĩnh vực chọn lọc trong vòng 10 năm trở đi. Đề nghị chủ tịch UBND TP cân nhắc có thể thành lập hội đồng tư vấn gồm 10 người trong nước, 10 người nước ngoài. Có hội đồng tư vấn để chúng ta triển khai đồng bộ.

Ngoài ra, cần có cơ chế tài chính, chẳng hạn vào trường chất lượng cao phải trả học phí cao, không để học phí là bài toán đối với những người học trường này, nên có chương trình cho vay; phát triển mạnh mẽ hợp tác công - tư theo từng nhóm chuyên đề, nhu cầu của từng trường; trường nào có nhu cầu gì thì tham gia nhóm đó. Ví dụ có trường tăng tốc nâng cao đào tạo tiếng Anh, đào tạo giáo viên; hợp tác để triển khai các môn học và chương trình đào tạo quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm, đối tác với nhau; hợp tác để kiểm định chất lượng giáo dục; hợp tác để nâng cao trình độ quản lý, phương pháp quản lý của nhà trường; hợp tác trong nhận chuyển giao công nghệ mới, phát triển sản phẩm mới...

Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục