Phụ huynh phàn nàn vì đầu năm thu 6 triệu, trường THPT Lê Quý Đôn phân trần

Thứ bảy, 14 Tháng 9 2019 06:50 (GMT+7)
Sau buổi họp đầu năm, nhiều phụ huynh có con học trường THPT Lê Quý Đôn tại TP.HCM phàn nàn về số tiền phải đóng lên đến 6 triệu đồng. Vì thế, Hiệu trưởng nhà trường đã lên tiếng.

Sau buổi họp phụ huynh các lớp, một số phụ huynh có con học trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM tỏ ra ngao ngán với các khoản phí được đưa ra.

Ngoài tiền học phí hơn 1,6 triệu đồng, phụ huynh còn phải đóng thêm hàng loạt khoản tiền khác.

Danh sách gồm: tiền nước uống 200.000 đồng/năm; sổ liên lạc điện tử 120.000 đồng/năm; ấn phẩm 50.000 đồng/năm; tập san 130.000 đồng/năm; sách tiếng anh 142.000 đồng/năm; quỹ trường 400.000 đồng/năm; tiền phô tô tài liệu, ủng hộ các câu lạc bộ của trường; tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn…

Anh L.V.T, một phụ huynh có con đang học lớp 11B1, trường THPT Lê Quý Đôn than thở: “Ngoài các khoản tiền thông báo chung của nhà trường, tôi còn phải đóng thêm 2 triệu tiền quỹ lớp. Con tôi không học bán trú nhưng tổng các khoản phải đóng cho trường vào đầu năm học mới đã gần 6 triệu đồng”.

Giáo dục - Phụ huynh phàn nàn vì đầu năm thu 6 triệu, trường THPT Lê Quý Đôn phân trần

Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM bị phụ huynh phàn nàn về việc đóng các khoản tiền đầu năm học.

Trước bức xúc của phụ huynh, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM khẳng định, nhà trường không chủ trương thu bất cứ khoản gì từ phụ huynh cho việc xây dựng cơ sở vật chất hay phục vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.

“Chúng tôi đang xem xét việc phụ huynh phản ánh học sinh đóng tiền quỹ trường, quỹ lớp.  Có thể là hai bên chưa hiểu rõ nội dung thu chi và cách gọi khoản này là quỹ lớp, quỹ trường cũng chưa phù hợp”, ông Thạch nói.

Ông Thạch cũng cho biết, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất rất tốt nên không để xảy ra việc lợi dụng ban Đại diện phụ huynh để ủng hộ các khoản không hợp lý.

“Đối với khoản tiền ở trong lớp là do giáo viên và phụ huynh cùng trao đổi trong năm có những hoạt động học tập cần in ấn tài liệu, các tiết học tích cực, các giờ học ngoại khóa cần đến việc tổ chức, đóng vai, diễn kịch... cần khoản chi phí nhất định. Hai bên cùng trao đổi, đưa ra mức phí cho các hoạt động học tập của lớp học trong năm.

Đây không phải là chủ trương của trường mà là hoạt động dạy học của lớp. Tuy nhiên, nhà trường sẽ nhắc giáo viên, không thu dồn và gây áp lực đầu năm học cho phụ huynh”, ông Thạch chia sẻ.

Còn đối với 400.000 đồng tiền đóng cho quỹ ban Đại diện phụ huynh trường, lãnh đạo nhà trường giải thích, khoản tiền này được sử dụng cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài, khen thưởng, các hoạt động trong năm của học sinh.

Vị Hiệu trưởng phân trần: “Chúng tôi tính toán trong một năm dự trù để cho ra mức 400.000 đồng/người. Còn trên thực tế, có những mạnh thường quân đóng nhiều hơn, có người đóng ít hơn và có những người không đóng”.

“Như mọi năm, có trường hợp phụ huynh không đóng nhưng có người lại đóng nhiều hơn. Và các hoạt động, chương trình, khen thưởng thì phụ huynh dù đóng hay không, học sinh đều được thụ hưởng”, ông Thạch nói.

Trường THPT Lê Quý Đôn là một trong những trường thực hiện theo mô hình tiên tiến hội nhập tại TP.HCM. Mức phí tại trường năm học này theo thông báo của sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM là 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, chưa bao gồm các khoản thu hộ, chi hộ.

Trước những vấn đề lạm thu vào đầu năm học mới, sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn về các khoản thu đầu năm học mới 2019 - 2020. Trong đó, Sở yêu cầu các trường phải công khai các khoản thu, tuyệt đối không được giao cho giáo viên thu, chi tiền.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, các khoản thu thỏa thuận phải được thống nhất với phụ huynh trước khi thực hiện, khi thu phải cấp hóa đơn cho từng học sinh và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.

Cùng với đó, phải giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm.

Hà Nhân - (nguoiduatin.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục