Vòng nguyệt quế cho thí sinh giỏi toàn diện

Thứ hai, 16 Tháng 9 2019 09:05 (GMT+7)
Chiến thắng của Trần Thế Trung trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 19 rất thuyết phục không chỉ ở trí tuệ, sự tự tin mà còn là tình cảm chân thành của cậu học trò xứ Nghệ

Với 245 điểm, Trần Thế Trung (học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An) đã giành vòng nguyệt quế, chính thức trở thành quán quân thứ 19 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia.

Món quà quý tặng người truyền cảm hứng

Bước vào cuộc thi quan trọng, Trần Thế Trung chuẩn bị cho mình một tâm thế thoải mái nhất. "Nhà leo núi" đến từ ngôi trường danh tiếng của Nghệ An cho hay em tạo cho mình tâm lý thoải mái và nghĩ kết quả ra sao cũng sẽ hạnh phúc. "Đã có một điểm cầu tại Nghệ An, đã bước chân đến chung kết cùng những người bạn xuất sắc nhất của năm nay, em đã cố gắng trả lời nhiều nhất có thể các câu hỏi và không để áp lực đè nặng lên tâm lý của bản thân" - tân vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2019 chia sẻ.

Vòng nguyệt quế cho thí sinh giỏi toàn diện - Ảnh 1.

Khoảnh khắc Trần Thế Trung giành vòng nguyệt quế Ảnh: THU HUYỀN

Về hành trình đến với chiếc cúp vô địch, Thế Trung cho hay em bắt đầu xem chương trình Olympia từ khi còn nhỏ nhưng bỏ bẵng một thời gian. Đến chung kết năm thứ 15, em bắt đầu xem lại cùng chị gái. Chị gái Trung chính là người truyền cảm hứng cho em. "Lúc ấy, chị em nói Trung có kiến thức khá ổn, sau này có thể thi Olympia vào khoảng năm thứ 17 đấy. Chị nói với em là mọi người dự thi đều rất giỏi nên chúng ta càng phải cố gắng nhiều hơn. Chị là người luôn ủng hộ, động viên em trong mọi con đường em qua" - nam sinh xúc động kể lại.

Chị gái của Trung, một sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương, đã giã từ cuộc sống sau một tai nạn khi Trung học lớp 9. Sự ra đi của chị đã khiến Trung sốc một thời gian dài và những lời tâm sự của tân vô địch Olympia 2019 tại trường quay của VTV không chỉ khiến bố em xúc động rơi nước mắt mà rất nhiều người cũng không kìm được cảm xúc. Chiếc cúp vô địch năm nay chính là món quà mà Trung dành tặng người chị luôn truyền cảm hứng cho em.

Nhất định sẽ trở về

Thế Trung cho hay ở cuộc thi này, kiến thức của các thí sinh đều rất rộng, người chiến thắng chỉ hơn các thí sinh khác một chút ở sự vững vàng về tâm lý và may mắn. "Em nghĩ mình là người vinh dự có được may mắn đó" - chàng trai xứ Nghệ khiêm tốn nói. Chia sẻ về bí quyết thành công, Trung cho biết ngoài thời gian dành cho việc học, em thường xuyên theo dõi các bản tin thời sự, tham gia các cuộc thi trí tuệ online. Bản thân em thích đọc sách về nhiều thể loại và vấn đề xã hội, kiến thức chung khác nhau.

Thế Trung sở hữu thành tích học tập đáng nể. Em là thủ khoa đầu vào khối chuyên lý, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Huy chương bạc IOE (Olympic tiếng Anh toàn quốc) 2017, giải nhì Olympic toán tuổi thơ cấp tỉnh 2013, giải ba tin học trẻ tỉnh 2013, giải nhất Olympia cấp trường năm học 2017-2018, giải nhất cuộc thi học sinh giỏi tỉnh môn vật lý năm học 2018 - 2019.

Điều đặc biệt là dù học giỏi các môn tự nhiên nhưng Trung cũng rất giỏi tiếng Anh và có khả năng chơi đàn guitare và hát. Trung tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa, có mặt trong CLB âm nhạc, CLB bóng rổ, thành viên BTC sự kiện "Hội đồng mô phỏng Liên Hiệp Quốc", CLB báo chí và tuyên truyền, đồng thời giữ vai trò trưởng ban kỹ thuật của tờ Nội san Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, chủ nhiệm "CLB Olympian of Phan" mới thành lập…

Trần Thế Trung từng từ chối cơ hội vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, điều mà rất nhiều học sinh nỗ lực để có được. Lý giải về điều này, Trung cho biết bản thân em thấy mình không hợp đối với luyện thi. "Ôn thi quốc gia đòi hỏi người học tập trung hết năng suất, học với cường độ lớn, tần suất cao, phải "hy sinh" rất nhiều. Còn em lại muốn tham gia các hoạt động ngoại khóa và dành thời gian cho cuộc thi Olympia" - nam sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tâm sự.

Về dự định trong tương lai, Thế Trung cho biết em sẽ hoàn thành tốt chương trình lớp 12 và kỳ thi THPT quốc gia. Với học bổng du học Úc mà chương trình dành cho Trung, em đang phân vân lựa chọn giữa ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Theo Trần Thế Trung, khi tham gia CLB truyền thông, em rất thích và nghĩ mình có thể đi theo hướng đó. Tuy nhiên, hiện tại nhà vô địch chưa thật chắc chắn sẽ chọn ngành gì. "Chỉ có một điều chắc chắn là em sẽ cố gắng học hỏi và trở về Việt Nam góp phần xây dựng đất nước" - Trung khẳng định. 

Niềm vui vỡ òa ở đất học xứ Nghệ

Từ sáng sớm, có khoảng 5.000 học sinh, thầy cô giáo và người dân xứ Nghệ bất chấp trời nắng nóng đã tập trung tại khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Cả biển người hào hứng cổ vũ hết mình cho các thí sinh trong cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2019.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, có mặt tại Quảng trường Hồ Chí Minh để cổ vũ cho thí sinh Trần Thế Trung, cho biết: Việc Nghệ An có thí sinh đến với chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là niềm tự hào không chỉ với thầy trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu mà còn là niềm vinh dự cho đất học xứ Nghệ. "Chúng tôi đều chúc cho Trung bình tĩnh, tự tin trả lời các câu hỏi, giành chiến thắng mang vinh quang về cho nhà trường, cho quê hương Nghệ An và em đã làm được điều đó" - ông Thành chia sẻ.

Khi người dẫn chương trình xướng tên Trần Thế Trung giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2019, những dồn nén, hồi hộp như vỡ òa, mọi người ôm chầm lấy nhau trong niềm vui lớn. Trong giây phút chứng kiến em học sinh yêu quý của mình đăng quang, những giọt nước mắt vui sướng đã rơi trên khuôn mặt thầy Ngô Sỹ Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thầy Ngô Sỹ Thủy nói: "Quá hạnh phúc, em ấy đã đăng quang một cách tự tin, thuyết phục. Để có được kết quả hôm nay là sự nỗ lực hết mình của Trung trong suốt một thời gian dài. Em ấy là niềm tự hào của nhà trường, của đất học xứ Nghệ".

Thầy Trần Ngọc Thắng, giáo viên chủ nhiệm của Trần Thế Trung, cho biết: "Trung học giỏi toàn diện, đặc biệt ở môn vật lý và tiếng Anh. Ngoài học tập tốt, Trung còn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa, đam mê âm nhạc, làm MC... Tôi và nhà trường vô cùng tự hào khi có một học sinh như em".

ĐỨC NGỌC

Nước mắt trên sân chơi trí tuệ

Khoảnh khắc Trần Thế Trung đăng quang, có lẽ chưa bao giờ một sân chơi trí tuệ lại nhiều nước mắt như thế...

Bố em, một sĩ quan quân đội trong bộ quân phục, đã không kìm nén được khi trên sân khấu con trai ông vừa đăng quang nói dành tặng vòng nguyệt quế cho người chị đã mất, có gì đó nghèn nghẹn, có gì đó như là hạnh phúc, đau xót trong ông vì con gái đã mất và đứa con trai thực sự trưởng thành về mọi mặt.

12-box

Bố của Trần Thế Trung xúc động rơi nước mắt khi con trai đăng quang. (Hình cắt từ truyền hình)

Và phía dưới sân khấu, trên 4 đầu cầu truyền hình các tỉnh và nhiều người xem cũng đã rơi nước mắt...

Chững chạc, chân thành và kiến thức tốt, nhiều kỹ năng mềm cũng là những điều Trung mang đến sự tin tưởng, thuyết phục đối với người xem.

Niềm vui vỡ òa vì cách Trung mang về vòng nguyệt quế đầu tiên trên sân chơi trí tuệ cho đất học xứ Nghệ sau 19 năm nhưng điều cảm động hơn là cách mà em dành món quà cho người chị, người bạn thân thiết của mình.

Trí tuệ luôn cần nhưng những cảm xúc, yêu thương mới là động lực cần cho mỗi người trong hành trang của mình.

Tôi cũng là người xứ Nghệ, cũng ra đi từ mái trường em đang học nên tự hào và luôn nỗ lực, học hỏi để tiến về phía trước, tự nhủ để dặn lòng: Cả trí tuệ và cảm xúc yêu thương luôn là hai điều cần phải được nuôi dưỡng mới... thành "Nhân".

Cảm ơn em đã cho mọi người thấy những giọt nước mắt trên sân chơi trí tuệ hôm nay để nghĩ nhiều hơn về ngày mai.

Nguyễn Hồng (cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu)

Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục