"Suy nghĩ cứ nộp đơn xin thị thực đi du học nhiều lần, ắt sẽ có một lần đậu là hoàn toàn sai lầm bởi cấp thị thực không phải trò chơi may rủi". Đó là khẳng định của bà Joy King - viên chức Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM - trong buổi triển lãm giáo dục Mỹ mới đây. Cũng theo bà Joy King, việc cấp thị thực (visa) có một số tiêu chí nhất định, khi đạt được đầy đủ sẽ được cấp chứ không phải dựa vào may mắn.
Tư vấn thủ tục xin visa từ nguồn chính thức
Xu hướng du học Mỹ không còn quá xa lạ với sinh viên Việt Nam. Năm 2018, theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), số lượng thí sinh Việt Nam tại Mỹ tăng năm thứ 17 liên tiếp, trong tổng số 24.325 sinh viên người Việt du học tại đây thì có đến 15,2% bậc sau ĐH. Sinh viên Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Mỹ.
Xin visa du học Mỹ tại lãnh sự quán Mỹ cho cả chương trình ĐH, CĐ, sau ĐH tương đối giống nhau chỉ khác về tiêu chí đánh giá. Mặc dù hầu hết các thông tin, cách thức về việc xin cấp visa du học Mỹ đều được công bố rộng rãi nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều phụ huynh, học sinh, sinh viên hoang mang, chưa nắm được những thủ tục bắt buộc và phải mất một số tiền lớn vào những trung tâm môi giới du học chỉ để tư vấn cách xin visa.
Với nhiều năm làm việc tại lãnh sự quán Mỹ, bà Joy khẳng định thí sinh không cần trả bất cứ khoản phí nào cho việc tìm kiếm thông tin visa, có thể tìm trên trang online của Tổng Lãnh sự quán Mỹ hoặc đến trung tâm EduUSA. Để chuẩn bị cho việc phỏng vấn xin visa, trước hết, thí sinh cần phải hiểu rõ về tình hình bản thân và có thể tự điền đơn một cách rõ ràng, nên thành thật, nói đúng sự thật trong lúc điền đơn DS160.
Thí sinh cần chuẩn bị trước những thông tin cần thiết trước buổi phỏng vấn có liên quan đến ngành thí sinh muốn theo học, không phải chuẩn bị những thứ cần đọc cho viên chức lãnh sự nghe. Khi đi phỏng vấn phải lắng nghe viên chức lãnh sự hỏi những gì để trả lời chính xác. Tìm hiểu về ngôi trường muốn theo học và lý do vì sao chọn trường, cách thức tìm hiểu về trường. Thí sinh sẽ phải trả lời được những dạng câu hỏi tại sao lại chọn trường này, sẽ học chuyên ngành gì, trường có dịch vụ gì đặc biệt, chuyên ngành khác so với các trường khác, chương trình học sẽ tốn bao nhiêu chi phí...
Ngoài ra, thí sinh cần có thư nhập học từ trường, xác nhận chấp thuận cho học tại trường, yêu cầu trường cấp mẫu đơn có mã chứng minh thân phận (ID) và nhập vào hệ thống quản lý sinh viên quốc tế để đóng phí quản lý sinh viên quốc tế (350 USD). Sau đó, đóng phí phỏng vấn visa (160 USD). Đóng xong phí sẽ lên lịch cuộc hẹn phỏng vấn và thí sinh đến lãnh sự quán để phỏng vấn.
Lưu ý, khi đi phỏng vấn cần mang hộ chiếu kèm I 20, lãnh sự quán sẽ nhận hẹn 120 ngày từ ngày nhập học. Thí sinh cũng cần chuẩn bị trước bảng điểm, học bạ, giấy tờ liên quan. Thí sinh cần chứng minh thỏa mãn tất cả các yếu tố để xin visa: trình độ học vấn, khả năng tài chính, kế hoạch sau khi hoàn thành chương trình học…
Kết quả sẽ được công bố ngay lập tức, nếu được chấp thuận cấp visa, thí sinh sẽ được nhận lại hộ chiếu kèm theo visa từ 2-3 ngày đối với nội thành và từ 5-7 ngày nếu ở ngoại thành.
Tìm hiểu thông tin về du học Mỹ
Cần chứng minh tài chính rõ ràng
Nhiều phụ huynh thắc mắc việc chứng minh tài chính là chứng minh theo sổ tiết kiệm hay chứng minh nhà đất, chứng minh bằng hình thức nào là hợp lý để thể hiện rõ nhất nguồn tài chính, nếu không đủ tài chính để theo học thì các trường ĐH có thể hỗ trợ gì không? Theo viên chức lãnh sự, việc đánh giá tài chính hồ sơ của thí sinh là đánh giá xuyên suốt quá trình học chứ không chỉ đánh giá tài chính cho học kỳ đầu tiên.
Thí sinh phải thể hiện được nguồn tài chính từ đâu để phục vụ việc học. Khi thí sinh đạt học bổng toàn phần 100% cũng cần phải chứng minh nguồn tài chính vì khi theo học và sinh sống tại Mỹ còn rất nhiều chi phí khác ngoài học phí. Nếu không đủ tài chính, thí sinh cũng cần nói rõ cho viên chức lãnh sự biết để có thể giới thiệu đến các chương trình của nhiều trường ĐH hỗ trợ sinh viên trợ giảng tại trường ở những cấp bậc thấp hơn để hỗ trợ chi phí.
"Mỗi tuần, bộ phận thị thực cấp visa cho hàng trăm sinh viên. Những thông tin bên ngoài về việc xin visa du học rất khó khăn nhưng thật sự không phải vậy. Thí sinh có nhu cầu du học tại Mỹ cần tham gia các buổi thông tin của viên chức lãnh sự để tìm hiểu rõ hơn về quy trình xin visa" - bà Marie C.Damour, Tổng Lãnh sự Mỹ, nhấn mạnh.
Không dựa vào yếu tố cơ hội
Những thí sinh chưa đạt điều kiện để được cấp visa sẽ được góp ý những phần còn thiếu và có thể nộp đơn xin visa lại bất cứ lúc nào và tiến hành thủ tục lại từ đầu, lần xin visa tiếp theo, thí sinh phải có những thông tin mới, những thay đổi mới, đáp ứng đủ yêu cầu, thể hiện bản thân để thuyết phục viên chức lãnh sự chứ không dựa vào yếu tố cơ hội, may mắn của bản thân.