Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Ngồi canh con học là sự thất bại trong giáo dục

Chủ nhật, 10 Tháng 11 2019 18:28 (GMT+7)
Cha mẹ Việt Nam luôn sẵn sàng đầu tư cho việc học hành của con cái mình, đôi khi còn đi vay mượn hoặc bán nhà. Tuy nhiên đầu tư không phải chỉ có nghĩa là bỏ tiền ra, chúng ta phải tự đặt câu hỏi là "Đầu tư như thế nào cho đúng?"
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Ngồi canh con học là sự thất bại trong giáo dục - Ảnh 1.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh tại hội thảo giáo dục Reggio Children và Bản sắc văn hóa Việt
 
Đó là quan điểm của bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP HCM tại hội thảo giáo dục Reggio Children và Bản sắc văn hóa Việt vừa được tổ chức tại TP HCM. 
 
Bà Ninh cho rằng, ở Việt Nam chúng ta nên tránh kiểu học của Hàn Quốc và Đài Loan, học gạo, học đến mức có những em thiếu niên mất thăng bằng tâm lý, thần kinh, hoặc cha mẹ thì cứ chăm chăm sau lưng con hằng ngày. "Ông tôi thuộc thế hệ xưa, còn bà tôi thì không có điều kiện ăn học, tuy nhiên suốt thời gian tiểu học và phổ thông, chưa bao giờ họ kèm chặt tôi trong việc học, bốn anh em đều tự học, thì học cũng được và cảm thấy rất dễ chịu", bà Ninh chia sẻ. 
 
"Thi thoảng tôi thấy trên tivi, cảnh các bà mẹ tối nào cũng vội vàng nấu cơm, dọn dẹp xong lại vào ngồi với con học, tại sao phải ngồi với con để học? Theo tôi đó là một dấu hiệu của sự không thành công của nhà trường và gia đình. Vì trên thực tế, đáng lẽ ra đứa trẻ phải biết tự học, chứ việc cha mẹ dành 1,2 tiếng buổi tối để ngồi canh con học, tôi thấy đã là một vấn đề rồi. Phải làm thế nào để tạo được sự hứng thú cho con, chứ nếu con học theo một cách bất đắc dĩ thì đó đã là một thất bại", bà Ninh nói. 
 
Theo bà Ninh, cần tiếp cận phương pháp giáo dục mới mà để cha mẹ có thể bước lùi lại vài bước về sau, để con cái mình có thể phát triển tự do, nhưng trong một không gian, một khuôn khổ mà cha mẹ có thể yên tâm. Phương pháp giáo dục đó phải tạo ra sự hứng thú và khát vọng, nếu như sau một số năm học tập, mà không thấy được khát vọng của con hay không thấy con có một sự thích thú gì đặc biệt, thì đó một vấn đề.
 
Tạo được sự hứng thú, và tò mò – một nhân tố không thể thiếu để dẫn đến những sự tìm tòi, nghiên cứu khoa học. Ngoài ra cũng phải khơi gợi khát vọng. Khát vọng phải đi đôi với đam mê, chứ nếu mỗi tuần lại thay đổi một khát vọng thì ở đây chẳng có khát vọng nào cả. Khát vọng phải là một điều gì đó bám theo mình, và điều mình theo đuổi, vất vả nhọc nhằn trăn trở để làm được nó, đó là những nhân tố khẳng định khát vọng. "Tôi nghĩ cha mẹ không nên can thiệp quá nhiều, bắt con em phải học ngành này ngành khác. Vấn đề quan trọng nhất là phải vươn lên đỉnh cao", bà Ninh chia sẻ. 
 
Bà Ninh nói thêm rằng việc đầu tư vào giáo dục, phải đi từ nền móng, từ mầm non, phải bắt đầu sớm, không có nghĩa là học chữ sớm. Điều quan trọng là học từ rất sớm là góp phần hình thành nơi đứa trẻ cái khả năng tư duy, kỹ năng sống cần thiết để đi vào cái hành trình mà phát triển của bản thân, đi vào cuộc sống và ra thế giới bên ngoài - thế giới Việt Nam và thế giới toàn cầu. 
Bảo Lâm - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục