Tất cả các trường phải mua 32 đầu SGK mà Bộ GD-ĐT đã công bố

Chủ nhật, 01 Tháng 12 2019 09:52 (GMT+7)
Ngày 29-11, UBND TP HCM phối hợp Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học nhằm phổ biến rộng rãi, cụ thể chương trình mới.
 
TP HCM định hướng tất cả các trường học đều phải mua đưa vào tủ sách chung và giáo viên phải đọc hết các bộ sách giáo khoa (SGK) được Bộ GD-ĐT thẩm định, công bố. Từ đó giáo viên mới có thể tham mưu được hiệu trưởng nên chọn sách nào để đưa vào giảng dạy cho chương trình lớp 1 năm 2020 - 2021, trong quá trình lựa chọn lưu ý đến độ phù hợp và hình ảnh, tranh vẽ, ngôn từ, câu chữ, văn phong phù hợp với học sinh từng vùng miền.
 
Theo Luật Giáo dục, việc lựa chọn SGK dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ do UBND các tỉnh thành quyết định, lựa chọn, nhưng do điều kiện về thời điểm áp dụng Luật Giáo dục chưa thực hiện được nên theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định việc lựa chọn SGK, như vậy hiệu trưởng các trường sẽ là người quyết định cùng tập thể đội ngũ giáo viên sau khi tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh học sinh để áp dụng vào trường.
 
Tất cả các trường phải mua 32 đầu SGK mà  Bộ GD-ĐT đã công bố - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
 
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM nhận định, tất cả các đầu SGK đã được bộ thẩm định và phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để triển khai trong các trường phổ thông. Tuy nhiên lựa chọn bộ sách nào phù hợp với đặc điểm của từng trường thì hiệu trưởng phải cân nhắc, tham khảo ý kiến của tập thể giáo viên cũng như là theo hướng dẫn về lựa chọn SGK. "Chúng ta không kiểm tra đánh giá theo kiến thức nội dung trong SGK nào, mà dựa trên hướng phát triển năng lực của học sinh, không phải học SGK này kiểm tra nội dung SGK khác, ngữ liệu không đồng bộ, nên có thể thay thế nội dung này bằng nội dung khác miễn sao phát triển được năng lực yêu cầu. Giáo viên phải tham khảo nhiều SGK để lựa chọn phù hợp" – ông Hiếu nhấn mạnh.
 
Hiện nay, TP HCM chưa đáp ứng đủ đội ngũ giáo viên và phòng học để thực hiện yêu cầu dạy 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học trong chương trình phổ thông mới do tỉ lệ dân số cơ học tăng đột biến. Cụ thể, khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày thì dự kiến số giáo viên sẽ tăng, đảm bảo ít nhất 1 giáo viên dạy nhiều môn/lớp, nhưng tuyển dụng giáo viên trên toàn thành phố đang khó khăn. Cấp tiểu học tỉ lệ phòng học trung bình chung toàn thành phố là 0,9 để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tỉ lệ phòng học phải đạt 1,0. Như vậy, muốn theo kịp chương trình mới học sinh tiểu học phải học 6 ngày/tuần.
Nguyễn Thuận - (nld.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục