Đổi mới giảng dạy, quản lý học sinh
Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng) giảng dạy trực tuyến.
Sau khi có thông báo học sinh tạm nghỉ học phòng tránh dịch bệnh từ 23-3, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng) đã tổ chức triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên tìm phương án dạy và học phù hợp. Theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, nhà trường đã quán triệt đến các thầy cô, học sinh từ ngày 30-3 sẽ tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến. Nội dung là kiến thức mới kết hợp ôn tập, củng cố nội dung, kiến thức đã học trong thời gian các em tạm nghỉ học. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng phân tích: “Nếu giáo viên dạy 4 tiết, thì trong đó có 2 tiết học kiến thức mới. Đợt tháng 2-2020, thầy trò đã thực hiện dạy và học trực tuyến, nên không quá khó khăn, chỉ lo đường truyền mạng không ổn định”.
Trường THPT Trần Đại Nghĩa có hơn 1.100 học sinh, với 74 cán bộ, giáo viên. Hơn 74% học sinh và trên 83% giáo viên tham gia học trực tuyến. Trường đang triển khai quay hình giáo viên giảng dạy ở các bộ môn. Những video bài giảng quan trọng, trường đưa lên website của trường để tất cả học sinh xem lại và ôn học trong thời gian tạm nghỉ học tại nhà. Ngoài ra, việc quản lý học sinh tại nhà được trường quan tâm.
Đợt nghỉ học tháng 2-2020, trường thành lập đoàn kiểm tra đến từng nhà học sinh để thăm, gặp gỡ phụ huynh, tìm hiểu tình hình học tập của các em. Qua đó, hướng dẫn học sinh tháo gỡ khó khăn để học tập đạt hiệu quả. “Đợt nghỉ này, trường thay đổi hình thức quản lý học sinh tại nhà bằng cách giao các giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm theo dõi học sinh qua mạng xã hội, hỗ trợ các em học hiệu quả, hạn chế tụ tập đông người phòng chống dịch bệnh”, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng chia sẻ.
Để phòng tránh dịch COVID-19, học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên, các trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn thành phố Cần Thơ nghỉ học từ ngày 23-3 (sau khi học lại 3 tuần đầu tháng 3; còn bậc mầm non đến THCS đã nghỉ từ sau Tết). Ngoài việc hướng dẫn tổ chức dạy và học, ngành Giáo dục thành phố yêu cầu lãnh đạo các trường trung học chỉ đạo giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý giờ học của học sinh; đánh giá thái độ, tính chuyên cần của các em trong quá trình học tập. Những học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến, nhà trường trực tiếp giao tài liệu học tập, bài tập kiểm tra đánh giá đến nhà cho học sinh; tổ chức cho học sinh tham gia học nhóm nhỏ dưới hình thức trực tuyến. Đơn cử Trường Phổ thông Thái Bình Dương, ngày 28-3 vừa qua, trường tổ chức cuộc họp phụ huynh học sinh từ khối 6 đến khối 12 qua hình thức trực tuyến, vừa thông tin việc tổ chức dạy và học online đợt 2, vừa tăng cường sự phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý học sinh học tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Lê Viết Minh Triết, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Thái Bình Dương, cho biết: “Trường còn có đội ngũ giáo viên quản nhiệm liên hệ chặt chẽ với phụ huynh quản lý học sinh qua điện thoại, mạng xã hội, phần mềm trực tuyến”. Hiện trường có 540 học sinh tiểu học, trung học.
Giờ học của học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng) hồi đầu tháng 3-2020. Ảnh: B.NG
Chủ động tinh giản chương trình
Tại Hội nghị trực tuyến với 63 Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh, thành trên cả nước về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh, do Bộ GD&ĐT tổ chức vừa qua, lãnh đạo Bộ nhấn mạnh việc tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông trên tinh thần giảm những kiến thức nâng cao, đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức cốt lõi của chương trình. Căn cứ hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình của Bộ, Sở GD&ĐT, các trường sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện, nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình và đảm bảo hoàn thành chương trình trong khung thời gian đã quy định.
Tại Cần Thơ, các trường THPT đã có động thái thực hiện tinh giản chương trình học phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Trường Phổ thông Thái Bình Dương đã xây dựng, phân phối chương trình các môn học với hình thức dạy và học phù hợp, đảm bảo đủ kiến thức của học sinh. Theo thầy Lê Viết Minh Triết, Hiệu trưởng nhà trường, tinh giản chương trình thực tế tinh giản nội tại môn học, tức là giảm những nội dung trùng lắp ở nhiều môn khác nhau. Tùy mỗi trường tổ chức nhiều hình thức dạy và học. Phần nào có thể dạy trực tuyến, phần nào dạy trực tiếp. Thầy Triết nói: “Trường đã nâng cấp lại đường truyền mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho thầy trò dạy và học trực tuyến, vừa dạy kiến thức mới, củng cố kiến thức đã học, từ ngày 30-3”. Thầy Hồ Hữu Cảnh, Tổ phó Tổ chuyên môn Hóa - Sinh, Trường Phổ thông Thái Bình Dương, cho biết: “Chủ trương của trường tinh giản chương trình học vẫn phải đảm bảo kiến thức cho học sinh. Như khối 12, trường đã xây dựng lại phân phối chương trình, nội dung cốt lõi để học sinh nắm được để thi THPT, dự tuyển vào đại học”.
Dù các trường THPT ở Cần Thơ đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho tinh giản chương trình học nhưng vẫn còn một số băn khoăn. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng cho biết: Theo phân bổ chương trình hiện nay, thầy trò của trường đảm bảo đủ thời gian dạy và học, nếu như học sinh tạm nghỉ học 2 tuần. Như vậy là không cần tinh giản chương trình học. Nhà trường chỉ lo thời gian học sinh nghỉ học không biết là bao lâu, khiến cho giáo viên bị động trong giảng dạy.
Theo PGS.TS Trần Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, với điều chỉnh lần 2 kế hoạch năm học 2019-2020 của Bộ GD&ĐT, học sinh còn hơn 2 tháng để ôn thi THPT quốc gia. Giáo viên đủ thời gian dạy chương trình học, nên không nhất thiết tinh giản chương trình.
Ông Minh đề xuất: “Các trường THPT giảng dạy đầy đủ nội dung kiến thức chương trình học trong sách giáo khoa; Bộ sẽ giới hạn nội dung thi. Nói cách khác, học sinh học hết chương trình và thi có giới hạn, nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục”.
Tại Hội nghị trực tuyến Phương án tổ chức dạy học trong thời gian chống dịch COVID-19 và định hướng trong thời gian tiếp theo do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức trung tuần tháng 3, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Nguyễn Phúc Tăng đã nhấn mạnh, tinh giản chương trình không nên hiểu máy móc cắt bỏ nội dung kiến thức mà là linh động đổi mới hình thức học như tổ chức dạy học phù hợp, kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp. Muốn làm được điều này, đòi hỏi huy động trí tuệ tập thể của cán bộ, giáo viên các trường để vừa đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa đoàn kết chung tay chống dịch bệnh.
B.Kiên - (baocantho.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)