Hình ảnh tại Kỳ thi THPT quốc gia 2019 (Ảnh: THUỶ NGUYÊN)
Kết luận phiên họp tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, đối với ngành giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp tình hình thực tế dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia năm nay.
Trước tình hình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đối với Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã cho lùi thời gian tổ chức sang tháng 8. Đồng thời, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã ra hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 cấp THPT, tinh giản ở mức “kịch khung trong điều kiện có thể”. Nhiều nội dung kiến thức của học kỳ II được thực hiện theo hướng “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện”, “Khuyến khích học sinh tự đọc/xem/thực hiện” và không tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả đối với học sinh ở những nội dung tinh giản. Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng đề tham khảo của Kỳ thi THPT quốc gia để sớm công bố cho học sinh lớp 12 và các trường tổ chức dạy học, ôn tập trên cơ sở bám sát vào nội dung chương trình giáo dục đã được tinh giản.
Tuy nhiên, ý kiến của một số chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ GD-ĐT vẫn cần tính đến các phương án đặc thù cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp, như xét tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả quá trình học tập của học sinh; và cũng có thể lấy kết quả quá trình học tập của học sinh làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng …
HOA LÊ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)