Nhiều ý kiến trái ngược về phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2020

Thứ sáu, 10 Tháng 4 2020 13:42 (GMT+7)
Trong khi Bộ GD-ĐT đang xây dựng các phương án dự phòng đối với kỳ thi THPT quốc gia trong trường hợp vẫn phải nghỉ học dài ngày vì Covid-19 thì thực tế đang có hai luồng ý kiến trái ngược.
 
Ngày 10/4, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, Bộ đang xây dựng các phương án thi THPT quốc gia và chưa thể thông tin chính thức khi chưa trình Chính phủ xét duyệt.
 
Theo đó, Bộ này đang trong quá trình xây dựng các phương án thi THPT quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trong tuần tới sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được Thủ tướng xem xét, phê duyệt Bộ sẽ thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
 
Như vậy, đến thời điểm này, học sinh lớp 12 toàn quốc vẫn học tập và ôn luyện theo phương án thi THPT quốc gia vào ngày 8-11/8 như đã công bố với đề minh họa được xây dựng theo hướng tinh giản, phù hợp với tình huống nghỉ học kéo dài trong tháng 4 này.
 
ảnh 1
Nghỉ học dài ngày khiến việc tổ chức thi THPT quốc gia 2020 đang phải xem xét lại
 
Tại Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Ðức Nguyễn Bội Quỳnh cho biết, trường có điều kiện thuận lợi là đã tổ chức dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu thông thường đối với toàn bộ khối lớp 12 từ tháng 3.
 
Giáo án được các tổ chuyên môn của trường soạn chung và được Ban Giám hiệu duyệt lại trước khi triển khai.
 
"Cùng với việc tận dụng các bài giảng trên truyền hình làm tư liệu giảng dạy, ôn tập cho học sinh, chúng tôi tự tin là nhà trường, giáo viên, học sinh sẽ hoàn thành chương trình đúng tiến độ để có thể sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2020"- bà Quỳnh khẳng định.
 
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa cho biết: "Hiện tại, học sinh lớp 12 của trường học qua truyền hình buổi sáng, còn buổi chiều thì học trực tuyến với các giáo viên bộ môn.
 
Học sinh lớp 12 trong buổi học trực tuyến được giáo viên hệ thống lại, giải đáp khúc mắc và luyện tập kiến thức đã học. Với tiến độ hiện tại, chúng tôi có thể hoàn thành được chương trình chậm nhất trong tháng 6".
 
Với tiến độ này, có thể thấy các trường nội thành của Hà Nội khá thuận lợi trong việc triển khai học trực tuyến nội dung chương trình học kỳ II. Tuy nhiên, với một số huyện ngoại thành thì việc học tập trực tuyến có không ít khó khăn.
 
Theo thầy giáo Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Phú, Sóc Sơn, việc học qua internet vẫn còn nhiều khó khăn, bởi nhiều gia đình chưa có máy tính kết nối internet… Thống kê sơ bộ, nhà trường mới có hơn 30% số học sinh có thể học tập qua internet. 
 
Thầy giáo Hoàng Ðức Mạnh, giáo viên huyện Mỹ Ðức cho biết, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình tại huyện còn khó khăn, có gia đình thậm chí còn không có ti-vi. Chúng tôi đề nghị phụ huynh tạo điều kiện, khắc phục khó khăn, cho con sang nhà bạn học cùng.
 
Đây cũng là lý do nhiều ý kiến cho rằng phương thức học trực tuyến, học qua truyền hình hiệu quả không đồng đều, vì thế nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia toàn quốc sẽ không công bằng với thí sinh ở các địa phương.
 
Do vậy, phương án giao cho địa phương xét tốt nghiệp THPT được cho là hình thức phù hợp để giảm áp lực cho học sinh trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn căng thẳng.
 
Duy Anh - (anninhthudo.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục