Trau dồi kỹ năng xin việc

Chủ nhật, 12 Tháng 4 2020 07:28 (GMT+7)
Để tìm được một công việc phù hợp đòi hỏi các bạn trẻ phải trang bị kiến thức chuyên ngành, kiến thức về ngoại ngữ khi còn đi học. Bên cạnh đó, có những kỹ năng giao tiếp cũng tạo cho các bạn những lợi thế nhất định khi xin việc.
Kỹ năng tốt tìm được việc nhanh
 
Tháng 9-2020, Nguyễn Xuân Vinh, sinh viên ngành Cơ điện tử Trường Đại học Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ, mới tốt nghiệp. Nhưng hiện nay Xuân Vinh đã xin làm nhân viên thực tập tại Công ty Intel Products Việt Nam (TP Hồ Chí Minh). Vinh cho biết: “Tôi biết đến công ty là do tham gia vào chuyến đi trải nghiệm và tham quan thực tế do Khoa Kỹ thuật cơ khí tổ chức vào tháng 6-2019. Tôi đến nhiều nhà máy công nghệ cao, xưởng chế biến khám phá những công nghệ mới và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Sau khi biết đến Intel, tôi đã xác định đây là môi trường công việc lý tưởng. Sau đó, tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị để trở thành nhân viên của Intel”. Đầu tháng 1-2020, Xuân Vinh biết được thông tin công ty đang tuyển nhân viên thực tập nên đã quyết định nộp hồ sơ xin việc. Sau khi qua các vòng phỏng vấn, Vinh đã được nhận vào làm việc ở công ty từ giữa tháng 2. Sau gần 2 tháng làm việc, Xuân Vinh đã có thêm các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ mới và từng bước nâng cao khả năng tiếng Anh qua việc trao đổi hằng ngày với các đồng nghiệp.
 
Từ năm thứ hai đại học, anh Cao Vũ Luân (quản lý tại Trung tâm Giáo trí tiNiWorld, quận Ninh Kiều) đã đi làm thêm tại Trung tâm Giáo trí tiNiWorld. Trong thời gian làm việc, anh Luân luôn học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng từ các anh, chị đi trước. Đồng thời sắp xếp thời gian cân bằng giữa việc học và việc làm. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, anh Luân xin làm việc tại trung tâm, đến nay được 2 năm. Thời gian qua, công việc quản lý giúp anh Luân nhận ra các hạn chế của bản thân để cải thiện và hỗ trợ các nhân viên khắc phục các lỗi mình từng mắc phải khi còn là một nhân viên làm thêm. Anh Vũ Luân cho biết: “Tôi thuận lợi khi xin việc vì có sẵn kiến thức cơ bản và kỹ năng cần cho công việc hiện tại, được sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp đi trước, được bồi dưỡng để trở thành quản lý. Tuy nhiên, quá trình từ người làm thêm đến quản lý nhân sự, tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy tôi luôn nỗ lực để làm tốt công việc”.
 
Có kế hoạch, chuẩn bị...
Xuân Vinh tự trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng khi còn đi học. Ảnh: CTV
 
Để chuẩn bị cho công việc ở tương lai, từ khi còn đi học, anh Cao Vũ Luân luôn tích lũy các kỹ năng về soạn thảo văn bản, rèn luyện ngoại ngữ và kỹ năng cập nhật thông tin. Bên cạnh đó, anh Luân cũng quan tâm rèn luyện kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề, làm việc nhóm thông qua các phương thức là tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, đồng nghiệp hoặc các khóa đào tạo của công ty. “Chọn lựa nghề nghiệp không phù hợp sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực như thất nghiệp, không phát triển được nghề nghiệp, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức...Vì vậy bạn trẻ cần xác định bản thân mình thích và phù hợp với ngành nghề nào để có mục tiêu cụ thể và bắt đầu một kế hoạch để thực hiện những mục tiêu đó” - anh Vũ Luân chia sẻ.
 
Nguyễn Xuân Vinh thì rèn luyện nhiều kỹ năng trong suốt quá trình tham gia các hoạt động Đoàn-Hội ở trường, trong đó có kỹ năng về tiếng Anh. Xuân Vinh kể: “Hôm phỏng vấn lần cuối, tôi là người được gọi đầu tiên. Và sau hơn 30 phút phỏng vấn bằng tiếng Anh, người tuyển dụng nói kết quả sẽ được thông báo trong vòng 7 ngày. Nếu sau 7 ngày tôi không nhận được điện thoại thì tôi không trúng tuyển. Chỉ hai ngày sau tôi đã nhận được cuộc gọi từ công ty thông báo được nhận thử việc”. Theo Xuân Vinh, các bạn trẻ có hai giai đoạn quan trọng trong việc lựa chọn công việc phù hợp. Đó là lúc học THPT và học lên cao hơn. Các sinh viên phải xác định được những công việc yêu thích, phù hợp với khả năng của bản thân để tránh việc đã học được hết 1 năm, 2 năm thậm chí là hơn thế nữa mới nhận ra là mình không phù hợp với ngành đang học.
 
Theo Khưu Thiện Nhân (27 tuổi, quản lý một phòng tập thể hình ở quận Cái Răng), một số bạn trẻ khi đi xin việc thường có suy nghĩ là làm việc nhẹ, lương cao. Nhưng các nơi tuyển dụng hiện nay đều trả lương theo sức lao động của cá nhân bỏ ra. Chính vì vậy, các bạn trẻ rất dễ hụt hẫng nếu “đứng núi này trông núi nọ”. Từng tuyển dụng nhiều nhân viên, anh Nhân cho rằng các bạn đi xin việc cần chỉn chu về hình thức bên ngoài cũng như trên hồ sơ xin việc; trung thực và chân thành trong các mối quan hệ ở nơi làm… Bên cạnh đó, các bạn cũng cần làm thêm các công việc khi còn đi học để tạo thêm sự phong phú của hồ sơ xin việc. Anh Nhân cho biết: “Những công việc các bạn làm có thể không quá lâu hoặc quan trọng nhưng những việc đó sẽ giúp người tuyển dụng có thông tin ban đầu về người ứng tuyển, đánh giá cao hơn những người khác. Nhưng quan trọng nhất, khi đi làm rồi bạn sẽ rất tự tin khi bắt đầu xin việc ở một công ty”.
 
Khang Minh - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục