Cô giáo Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương dạy học từ xa.
Thầy, cô chủ động thay đổi
Cuối tháng 1, khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên cũng là thời điểm Ban lãnh đạo cùng các thầy, cô giáo Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Việt Trì họp bàn, dự đoán tình hình và xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh. Trong đó, Nhà trường đã tính đến phương án dạy học từ xa khi bắt buộc 100% học sinh tạm dừng việc học tại trường. Nhà trường đã tổ chức 25 buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, 4 lớp tập huấn về công nghệ thông tin với sự tham gia của 100% giáo viên; triển khai tinh giản chương trình, xây dựng lịch trình giảng dạy chi tiết cho học kỳ 2.
Tháng 3-2020, khi 100% học sinh các cấp học buộc tạm dừng đến trường, ngay lập tức Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Việt Trì đã triển khai kế hoạch tổ chức dạy và học tập qua internet thông qua phần mềm Office 365 Education, Shub Classroom, Quizizz, Facebook, Messenger, Zalo... Với đặc thù 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, cho nên, internet hay điện thoại thông minh là điều khá xa lạ. Ban Giám hiệu Nhà trường cùng các thầy, cô giáo đã họp bàn, quyết định tổ chức dạy học từ xa cho học sinh theo Tài liệu hướng dẫn tự học được thiết kế theo các modun với sự hỗ trợ của giáo viên dưới ba hình thức: Giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo thời khóa biểu của Nhà trường; giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo điều kiện kết nối mạng internet của học sinh; giáo viên tương tác với học sinh qua điện thoại sau khi tài liệu được gửi tới học sinh qua đường bưu điện.
Học sinh Lùng Thị Loan, lớp C2K45, dân tộc La Chí, ở thôn Già Nàng, xã Nà Khương, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đang say sưa học.
Toàn bộ tài liệu hướng dẫn học sinh tự học đã được tinh lược, xây dựng theo các modun, kèm với đó là các video hỗ trợ học sinh tự học. Nội dung tài liệu được nhà trường thẩm định, sau đó chuyển đến các em học sinh trước các ca học. Kết thúc mỗi ca học (hai tiết), tương ứng với một modun học tập và học sinh được xét công nhận kết quả học tập dựa vào bốn yếu tố, gồm ý thức học tập và kết quả của ba bài kiểm tra kiến thức ở các mức độ khác nhau.
Việc thay đổi phương pháp dạy học truyền thống trên lớp sang dạy học trực tuyến là thử thách với các thầy, cô giáo. Yếu tố tuổi tác, trình độ công nghệ thông tin là khó khăn cơ bản. Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn do Ban lãnh đạo trường tổ chức, đến thời điểm này, cơ bản các thầy, cô giáo đã đáp ứng yêu cầu giảng dạy của nhà trường. Nhiều giáo viên đã chủ động thay đổi tư duy, tìm hiểu, xây dựng cho mình phương pháp làm việc mới, tạo nên những bài giảng trực tuyến chất lượng và được học sinh tích cực đón nhận.
Học sinh sẵn sàng vượt khó
Em Tráng A Thỷ là người dân tộc Mông (ở Bản Háng Á, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, Điện Biên) được các thầy cô hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm Office 365 Education, Shub Classroom, Quizizz để học trực tuyến. Giờ đây, đều đặn vào lúc 7 giờ 30 phút và 13 giờ 30 phút các ngày trong tuần, em Tráng A Thỷ lại vào học. Vì là học trực tuyến nên cứ chỗ nào “bắt” được mạng internet, chỗ đó là nơi học của em. "Lớp học" của Thỷ có khi ở mỏm đá trên đồi, có khi ở bãi ngô trên núi... thông qua chiếc điện thoại kết nối với cô giáo của mình. Có hôm, để nghe được cô giáo giảng bài, Thỷ đã phải đi bộ qua hơn 3 km đường rừng để “hứng” mạng từ bản bên kia núi.
Trong thời gian nghỉ tránh dịch, em Lường Thị Thắm, người dân tộc Thái, ở bản Nát, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên thường xuyên vừa học vừa phụ giúp bố mẹ công việc gia đình. Thắm tâm sự: “Ở nhà, em vừa học online, vừa chăn bò giúp gia đình. Em thường phải chăn bò trên núi xa vì ở đó mới có sóng internet ổn định. Lắm hôm vừa cắt cỏ cho bò, vừa học, mải nghe thầy cô giảng bài, lưỡi liềm cắt cả vào tay. Đau nhưng vui vì vẫn được học cùng thầy, cô giáo”.
Học sinh Tạ Như Quỳnh, lớp D2K45, dân tộc Nùng, thôn Khau Tao, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nghe cô giáo hướng dẫn học bài.
Ở bản Huổi Moi, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên nơi em Sùng Seo Hòa người dân tộc Mông đang sống còn không có điện lưới. Ở nhà, em học qua tài liệu được các thầy cô gửi qua bưu điện và ngược lại, bài tập, bài kiểm tra em làm xong sẽ gửi qua bưu điện để thầy cô chấm. Những ngày mưa to, em không xuống thị trấn in bài được, lòng như lửa đốt, chỉ sợ dồn bài, không theo kịp các bạn. Sùng Seo Hòa xúc động nói: “Những lúc như vậy, thầy giáo lại gọi điện đọc bài cho chép và hướng dẫn giảng giải cụ thể. Thầy dặn “dù biết có nhiều khó khăn, nhưng vẫn phải quyết tâm học”, nên em phải cố học lấy con chữ, còn theo đuổi ước mơ của mình, không phụ công sức, tấm lòng của thầy, cô giáo. Em mong đại dịch qua mau để được xuống trường đi học. Em nhớ thầy cô, nhớ các bạn lắm".
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Việt Trì chia sẻ: “Để bảo đảm thực hiện nội dung chương trình kế hoạch năm học, nhà trường đã rất khẩn trương tổ chức thực hiện việc dạy học từ xa cho học sinh thông qua Tài liệu hướng dẫn tự học được thiết kế theo các modun với sự hỗ trợ của giáo viên dưới ba hình thức. Với cách thức tổ chức này, Nhà trường quyết tâm thực hiện mục tiêu không bỏ rơi bất cứ học sinh nào, dù điều kiện học tập của các em có khó khăn đến đâu”.
Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Việt Trì hiện có gần 900 em học sinh đến từ 18 tỉnh miền núi phía bắc theo học. Trong hai tuần qua, 100% các em học sinh đều đã tiếp cận được với hình thức dạy học từ xa của nhà trường. Các thầy, cô giáo đã xây dựng thành công 305 modun, 297/3123 video hỗ trợ tự học đã được gửi đến các em học sinh; tổ chức được 594 tiết giảng trên không gian mạng; 100% học sinh đã trả bài đầy đủ và được công nhận kết quả học tập. Những kết quả khả quan bước đầu là động lực giúp thầy và trò Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Việt Trì tiếp tục duy trì phương pháp dạy học từ xa, giúp các em học sinh không bị gián đoạn việc học, có được kiến thức cơ bản, tự tin bước vào kỳ thi Đại học sắp tới.
HÀ LINH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)