Năm nay có nên bỏ thi THPT quốc gia: Nguyên Cục trưởng CNTT nói gì?

Thứ ba, 14 Tháng 4 2020 13:46 (GMT+7)
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT cho rằng, dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hàng năm. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường đại học sẽ lúng túng.
 
Năm nay có nên bỏ thi THPT quốc gia: Nguyên Cục trưởng CNTT nói gì?
 
Trông chờ… phương án thuận lợi
 
Nhiều năm qua, kết quả kỳ thi THPT quốc gia là một trong những phương thức xét tuyển của ĐH Đà Nẵng, chính vì vậy, PGS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn được tổ chức sẽ thuận lợi hơn không chỉ cho ĐH Đà Nẵng mà còn cho nhiều trường khác.
 
“Nếu không thể tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia mà phải dùng phương án xét tuyển học bạ hay các phương án khác sẽ dẫn đến xáo trộn nhiều công tác xét tuyển đại học năm nay (có thể xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, khó kiểm soát chất lượng…). Do vậy, trong trường hợp kỳ thi THPT không thể được tổ chức, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn chi tiết” , PGS.TS Lê Thành Bắc nêu ý kiến.
 
Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cũng đề xuất, Bộ GDĐT có thể giao cho cụm trường (ĐH quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM) hay một số trường tốp trên đủ điều kiện tổ chức thi riêng. Các trường tốp dưới có thể đăng ký tham gia hoặc lấy kết quả thi của các cụm trường để xét tuyển. Vì thực tế hiện nay các trường đều đa dạng hoá phương thức xét tuyển, trong đó xét tuyển học bạ gồm năm 11 và kỳ 1 năm 12 khá phổ biến.
Cùng quan điểm với PGS.TS Lê Thành Bắc, TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho rằng, trong điều kiện tốt nhất việc tiếp tục triển khai kỳ thi THPT quốc gia đáp ứng yêu cầu của xét tuyển đại học sẽ giảm thiểu được những xáo trộn cho học sinh lớp 12 cũng như cho các cơ sở giáo dục ĐH.
 
Năm nay có nên bỏ thi THPT quốc gia: Nguyên Cục trưởng CNTT nói gì? - ảnh 1
Độc giả bình chọn phương án thi THPT quốc gia năm nay trên Báo điện tử Tienphong.vn
 
Còn trong trường hợp không thể tổ chức thi mà có phương án công nhận kết quả hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông cho học sinh, thì các trường ĐH sẽ cần phải chủ động hơn trong phương án tuyển sinh và sớm thông tin đến cho thí sinh.
 
“Cho dù phương án nào thì chúng tôi cũng rất mong Bộ GD&ĐT có quyết định sớm để các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn về phương án tuyển sinh và sớm thông tin tới cho thí sinh”,TS Phạm Thu Hương cho hay.
 
Không nhiều trường đại học can đảm ra đề thi riêng
 
Nêu quan điểm về thông tin kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn có thể diễn ra nếu học sinh quay trở lại trường học trước ngày 15/6, ông Quách Tuấn Ngọc khẳng định, hoàn toàn có thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong điều kiện như thế nếu đề thi loại bỏ nội dung học kỳ II lớp 12.
 
“Nếu học sinh có thể quay trở lại trường học chậm nhất vào ngày 15/6 thì các em vẫn có gần 2 tháng để vừa hoàn thành nốt năm học, vừa ôn tập. Khi nội dung học kỳ II đã được tinh giản, đề thi không ra vào nội dung học kỳ II không đến mức phải bỏ kỳ thi”, ông Ngọc nói.
 
Xét tốt nghiệp trong trường hợp bất khả kháng khi dịch bệnh kéo dài là phương án cần được tính đến nhưng theo ông Ngọc, sẽ có tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, khó đảm bảo chính xác và công bằng cho các em học sinh. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần lưu ý để đưa ra những giải pháp phù hợp.
 
Đối với việc xét tuyển đại học, ông Ngọc cho rằng, dù kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp nhưng đa phần các trường đại học vẫn tham khảo kết quả này để xét tuyển hàng năm. Nếu năm nay vì khách quan mà không tổ chức được kỳ thi, nhiều trường đại học, cao đẳng sẽ lúng túng.
 
“Chỉ dùng học bạ để xét tuyển sẽ không ổn, mặc dù phương thức xét tuyển là do các trường tự chủ nhưng lâu nay kết quả kỳ thi THPT quốc gia vẫn là một trong những phương thức được lựa chọn, vì vậy, nếu thay đổi cần phải có dự lệnh để các trường đáp ứng được.
 
Không nhiều trường có đủ sức và can đảm được như trường ĐH Bách khoa Hà Nội để ra đề thi riêng, vì làm được một bộ đề thi riêng là rất tốn kém, chưa nói nếu xảy ra sai sót trong khâu ra đề hệ lụy sẽ khó lường”, ông Ngọc nhận định.
 
Theo ông Ngọc, trong trường hợp sử dụng phương thức ra đề thi riêng, các trường đại học có thể tính toán để liên kết thành nhóm, một số trường ra đề tuyển sinh, tổ chức thi, các trường còn lại sử dụng kết quả thi này để xét tuyển.
 
Nghiêm Huê - (tienphong.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Giáo Dục