Cơ hội đổi mới giáo dục

Chủ nhật, 19 Tháng 4 2020 15:59 (GMT+7)
Đi đôi với đa dạng các hình thức dạy và học trong thời gian học sinh không đến trường vì dịch COVID-19, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố nói chung, các trường phổ thông nói riêng đã thực hiện tinh giản chương trình theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Trong khó khăn, đây cũng được xem là cơ hội đổi mới giáo dục.
Học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa học Vật lý bằng hình thức trực tuyến.
 
►Đôi bên cùng tiến
 
Dù ở vùng ven thành phố, tập thể hội đồng sư phạm Trường THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền) luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện đổi mới công tác quản lý, cũng như việc dạy và học theo chỉ đạo chung của ngành. Thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Giai Xuân, cho biết: “Khi có văn bản mới từ Bộ, Sở GD&ĐT, chúng tôi triển khai nhanh đến tất cả thầy cô qua email công vụ của trường và nhóm zalo cán bộ, giáo viên. Đơn cử như việc triển khai dạy và học trực tuyến hay việc tinh giản chương trình học...”. Việc tinh giản chương trình được giao đến các tổ trưởng tổ bộ môn nhằm rà soát công tác chuẩn bị thực hiện sao cho phù hợp.
 
Trường THPT Giai Xuân hiện có 842 học sinh với 65 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó có 57 giáo viên). Theo thầy Nguyễn Hồng Bảo, thời gian đầu triển khai dạy và học trực tuyến ở trường gặp nhiều khó khăn, nhưng sau vài tuần thực hiện, giáo viên quen dần và nhuần nhuyễn trong ứng dụng các phương tiện và phần mềm công nghệ thông tin để giảng dạy. Thầy Bảo chia sẻ: “Tất cả giáo viên của trường sử dụng công nghệ thông tin. Nhiều thầy cô chịu khó tìm tòi, sử dụng thêm phần mềm giảng dạy. Đã có 70% học sinh của trường tham gia học trực tuyến. Số còn lại do thiếu thiết bị, đường truyền mạng Internet yếu… nên chúng tôi vận động, hỗ trợ để đảm bảo đầy đủ kiến thức chương trình học cho các em”.
 
Tại Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Ô Môn), theo chỉ đạo ngành giáo dục quận, lãnh đạo nhà trường đã quán triệt toàn thể cán bộ, giáo viên vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo dạy học qua 2 hình thức: bằng phương tiện công nghệ thông tin và in tài liệu mang đến nhà cho học sinh khó khăn. Cô Lâm Thị Thanh Uyên, giáo viên dạy môn Tiếng Anh, cho biết, hiện nay học sinh học trực tuyến, nội dung là bài mới kết hợp ôn tập bài cũ. “Với một số học sinh gia đình có kinh tế khó khăn, không có thiết bị nên hạn chế tham gia học trực tuyến, lãnh đạo trường và bản thân giáo viên nỗ lực bằng nhiều cách để đưa bài học và giảng bài cho các em, tránh để các em thiệt thòi”, cô Uyên chia sẻ.
 
Tương tự, ở Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng), 100% giáo viên giảng dạy trực tuyến theo thời khóa biểu chung. Số lượng học sinh tham gia học trực tuyến bình quân 80-90%. Một số em không tham gia do không có thiết bị hoặc đường truyền mạng yếu. Vì vậy có thêm hình thức giáo viên gửi tài liệu cho các em không thể học trực tuyến làm bài, nộp bài sau để thầy cô chỉnh sửa. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết: “Ngoài sử dụng các phần mềm học tập, giáo viên quay video (trường có phòng quay video) bài giảng đưa lên website của trường. Học sinh tham khảo trước để nắm trọng điểm, thảo luận với giáo viên khi học trực tuyến”. Em Nguyễn Thị Hồng Đào, học sinh lớp 12 của trường, chia sẻ: “Bên cạnh học trực tuyến, em tự học, tự làm bài tập thêm tại nhà”.
 
►Cơ hội đổi mới giáo dục
 
Quyết định tinh giản chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành là giải pháp tình thế khi học sinh không thể đến trường dài ngày do dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ, giáo viên, việc tinh giản này có thể duy trì thực hiện ở các năm tiếp theo. Bởi vì điều này giúp giáo viên, học sinh, nhất là giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, tiệm cận dần với chương trình giáo dục phổ thông mới. Ví dụ như sự thay đổi cách quản lý, giảng dạy từ hình thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin. Theo thầy Nguyễn Hồng Bảo, sau thời gian đầu lúng túng thì nay đã thấy hiệu quả việc giáo viên quản lý học sinh qua ứng dụng các phần mềm giảng dạy hoặc mạng xã hội. Kể cả với Ban Giám hiệu, tổ trưởng các bộ môn, giáo viên... cũng nhanh chóng được cập nhật đúng và đủ những chỉ đạo mới từ thành phố, ngành giáo dục; từ đó thực hiện nhanh, chính xác, hiệu quả và có hệ thống.
Giáo viên Trường THCS Châu Văn Liêm, quận Ô Môn dạy học sinh bằng hình thức trực tuyến.
 
Về thực hiện tinh giản chương trình, Ban Giám hiệu Trường THPT Giai Xuân chỉ đạo các giáo viên định rõ những nội dung không dạy, nội dung giảm bớt hoặc nội dung yêu cầu học sinh tự học. Thầy Bảo nói thêm: “Các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tinh giản chương trình học, phân chia thời lượng học, kể cả chuẩn bị kịch bản đón học sinh nhập học trở lại. Sau đó trình Ban Giám hiệu duyệt và gửi về Sở mới triển khai thực hiện trong toàn trường”. Phía Trường THPT Trần Đại Nghĩa, trước mắt vẫn duy trì dạy và học trực tuyến các môn học. Trừ những môn đặc thù (Giáo dục quốc phòng, Thể dục, Tin học, Công nghệ) trường thực hiện 1 tuần sẽ học 2 môn luân phiên, đảm bảo kết thúc chương trình cuối năm học đúng quy định Bộ GD&ĐT. Theo thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, giáo viên tinh giản chương trình theo quy định của Bộ, tránh tạo áp lực lên học sinh. Điều này sẽ giúp thầy cô phát huy khả năng sáng tạo trong đổi mới phương pháp giảng dạy.
 
Hiện tất cả trường tiểu học, trung học trên địa bàn TP Cần Thơ nắm rõ chủ trương chung của ngành về thực hiện tinh giản chương trình theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo các đơn vị điều chỉnh nội dung dạy học, thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo mục tiêu giáo dục, tính hệ thống và tính thống nhất của mạch kiến thức. Các trường tổ chức rà soát, tinh giản, sắp xếp, kết hợp các bài học có nội dung liên quan thành một bài học/chủ đề trên cơ sở đảm bảo nội dung cốt lõi của yêu cầu cần đạt theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; tinh giản tối đa các nội dung kiến thức trùng lắp. Đặc biệt, giáo viên không được tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và những nội dung được ghi chú “Không dạy”; “Không làm”; “Không thực hiện”; “Khuyến khích học sinh tự học”.
 
Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: “Sau khi học sinh đi học trở lại, các trường có nhiệm vụ sẽ tổ chức dạy học để hoàn thành chương trình giáo dục; đồng thời củng cố những kiến thức mới mà các em đã được học bằng hình thức trực tuyến trong thời gian nghỉ nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục”.
 
Bài, ảnh: B.Kiên - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục