Như tin đã đưa, sau trên 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục, có văn bằng chuyên môn đại học sư phạm ngữ văn, có đầy đủ các quyết định phân công, quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, hợp đồng làm việc không thời hạn, kê khai thông tin bảo hiểm xã hội đúng quy định pháp luật, đóng bảo hiểm xã hội theo quyết định lương ...hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, nhưng nhiều nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang lại bị giam hãm tiền lương hưu trong khi đã nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 01/10/2019.
Trong số những nhà giáo “hẩm hiu” ấy, có những gia cảnh khổ đau đến cùng cực như trường hợp thầy giáo Văng Hồng, giáo viên trường Tiểu học Tân Thuận 2, huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang đã được Giáo dục Việt Nam thông tin chi tiết.
Điểm chung của những nhà giáo bị “chặn chế độ” đó là, chính quyền địa phương vẫn chưa xác định được họ là giáo viên hay nhân viên nên chưa thể phối hợp cùng cơ quan bảo hiểm xã hội chốt sổ bảo hiểm để làm cơ sở thực hiện thủ tụchưu trí.
Và, để giải quyết vấn đề, hiện tại địa phương đã thành lập các tổ kiểm tra để nghiên cứu, tìm tòi hồ sơ và phân định xem những nhà giáo nói trên có thuộc đối tượng là giáo viên hay không? Có đủ điều kiện hưởng các phụ cấp theo luật định dành cho nhà giáo hay không?
Từ đó sẽ tính đến việc chi trả chế độ hưu cho họ phù hợp theo đối tượng được xác định.
Nước mắt giáo viên hưu
Khó, khổ, chật vật,... đằng đẵng 7 tháng trời khi không một đồng lương hưu cũng không có thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh khiến các thầy cô giáo cùng thân nhân của họ phẫn uất đến cùng cực, nhưng sự phẫn uất ấy chỉ dội ngược vào trong chứ không đến được với những người có thẩm quyền giải quyết.
Thầy giáo Văng Hồng sau khi đã hoàn thành tang ma cho con trai
“Tôi đến thăm thầy Hồng, nhìn gia cảnh của thầy mà nước mắt không kìm nén được. Nhìn thấy thực tế hoàn cảnh thầy Hồng, tôi chỉ là bạn bè đồng nghiệp thôi mà tan nát cõi lòng.
Trong túi tôi lúc đó chỉ có vỏn vẹn 235 nghìn đồng, tôi san sẻ với gia đình 100 nghìn. Tôi biết, với người khác 100 nghìn đồng là rất nhỏ, nhưng đối với tôi và với gia đình thầy lại khác”.
“Hoàn cảnh của thầy Hồng cả huyện này ai mà không biết, việc giáo viên hưu chúng tôi 6,7 tháng trời không có lương hưu ai mà không biết, vậy mà khi báo chí tiếp tục phản ánh thì ngày 16/04/2020 Phòng Giáo dục mới làm công văn mới kêu nhà trường báo cáo các hoàn cảnh nhà giáo nghỉ hưu chưa có lương để họ báo cáo Huyện ủy, Ủy ban giúp đỡ, hỗ trợ là sao?
Lương hưu của chúng tôi thì trả cho chúng tôi chứ sao lại là hỗ trợ, là giúp đỡ? Chúng tôi chỉ cần họ thi hành pháp luật chuẩn mực chứ không phải ăn xin lòng thương của họ”, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh chia sẻ nỗi niềm với Giáo dục Việt Nam bằng những giọt nước mắt lăn dài bởi bức xúc và bất lực.
Được biết, sau khi báo chí đăng tải những trường hợp khốn khó của nhà giáo vì 6 tháng không có lương hưu, Phòng giáo dục Vĩnh Thuận đã gửi thông báo kèm theo đề cương đến các cơ sở giáo dục, yêu cầu báo cáo khẩn với nội dung:
“ Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực UBND huyện và phòng Giáo dục và Đào tạo về việc rà soát, nắm tình hình đời sống của các giáo viên đã nghỉ hưu, thôi việc nhưng chưa được hưởng lương, chế độ liên quan các cấp lãnh đạo có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên khi đã nghỉ hưu, thôi việc”.
Và, những dòng chữ “nhân văn” đối phó trái thời điểm này đã khiến cảm xúc nhà giáo vỡ tung vì giận dữ.
Ai cho phép ngành giáo dục Vĩnh Thuận tước đoạt quyền được dạy của nhà giáo?
Trước đó, sau khi báo chí đăng tải, chính quyền huyện cũng đã từng xúc tiến xử lý nhưng khi dư luận lắng dịu lại thì tiếp tục “ỉm đi” bởi lẽ việc đối chiếu chốt sở bảo hiểm xã hội cho nhà giáo sẽ góp phần lật tẩy các sai phạm được che chắn suốt nhiều năm của ngành giáo dục huyện này.
Như đã thông tin, hiện nay không phải riêng cô giáo Cảnh, thầy giáo Văng Hồng mà còn có nhiều nhà giáo khác của huyện Vĩnh Thuận đang bị tước đoạt quyền lợi mà trong đó, điều bị tước đoạt nghiêm trọng nhất là quyền được dạy mặc dù theo hồ sơ họ đã cung cấp thì những nhà giáo này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn mà pháp luật quy định đó là:
Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt; Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm; Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.
Hiện tại, Luật Giáo dục đã quy định: “Quyền của nhà giáo là được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo.
Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ”.
Và, Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông - trường phổ thông có nhiều cấp học cũng như Điều lệ trường Tiểu học (nay là Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT 2014 Thông tư Điều lệ Trường Tiểu học) cùng có chung quy định về quyền của giáo viên như sau: “Được nhà trường tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh”.
Nhưng, thực tế, những nhà giáo này đã bị người có thẩm quyền tước bỏ hoàn toàn quyền lợi của mình, họ không được phân công giảng dạy, dù đã được ký hợp đồng làm việc với chức vụ là giáo viên và chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm là giáo viên.
Tại huyện Vĩnh Thuận, có hàng trăm nhà giáo đã bị phân công trái luật, họ bị bắt buộc phải làm những việc khác trái chuyên môn nghiệp vụ.
Đây chính là nguyên nhân khiến cho hiện nay địa phương đang “nhùng nhằng” phân định xem phải chi trả chế độ chính sách cho họ như thế nào.
Không chỉ tước đoạt quyền được dạy của nhà giáo, ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận còn tước đoạt luôn của các nhà giáo này những phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ vì lý do “không trực tiếp giảng dạy”.
Từ sự vi phạm pháp luật trong việc tước quyền được dạy của nhà giáo nêu trên, hiện tại, việc đối chiếu với cơ quan bảo hiểm xã hội để chốt sổ bảo hiểm xã hội để nhà giáo được thụ hưởng chế độ hưu trí một việc làm vô cùng nan giải vì sự việc này khi được phanh phui sẽ là ngọn đuốc làm bùng cháy những khuất tất còn lại.
Nguyễn Phan - (giaoduc.net.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)