Tiết học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Giồng Trôm).
Hướng ra đề nhẹ nhàng
Do mục tiêu chỉ để xét tốt nghiệp THPT nên bộ đề thi tham khảo được điều chỉnh theo hướng nhẹ nhàng, bám sát nội dung kiến thức cơ bản. Theo đánh giá chung của giáo viên bộ môn, đối với môn Ngữ văn, phần đọc hiểu đảm bảo mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh, giải quyết vấn đề từ dễ đến mức độ khó tăng dần. Phần nghị luận xã hội tập trung kiểm tra kỹ năng viết đoạn thông qua việc trình bày ý kiến về một vấn đề liên quan đến phần đọc hiểu.
Cô Lý Mộng Thùy - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Ngọc Thăng (Giồng Trôm) cho biết, với cách ra đề tham khảo, yêu cầu phần nghị luận xã hội tương tự đề thi các năm gần đây. Đề thi nằm trong chương trình lớp 12. Học sinh trung bình nếu học bài nghiêm túc thì có khả năng đạt được trên 5 điểm.
Thầy Nguyễn Ngọc Minh - giáo viên tổ Toán, Trường THPT Nguyễn Ngọc Thăng đánh giá, mức độ đề thi môn Toán phù hợp với học sinh trung bình, trung bình - yếu. Đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và hướng dẫn giảm tải. Học sinh trung bình nếu chịu học và làm bài có thể đạt được ít nhất 5 điểm. “Cấu trúc đề thi có khoảng 7 điểm ở 3 mức độ: thông hiểu, nhận biết, vận dụng. Do đó, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, giáo viên cần giúp học sinh hệ thống lại kiến thức lớp 12, các dạng câu hỏi và cách làm. Rèn kỹ năng tính toán, vận dụng; tập trung vào các câu hỏi ở 3 mức độ đầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng”, thầy Minh chia sẻ.
Theo em Lê Thị Bảo Ngọc - học sinh lớp 12A, Trường THPT Nguyễn Ngọc Thăng, em sẽ dành thời gian đọc sách tham khảo. Em sẽ đi học, học bài và làm bài đầy đủ; năng động, tích cực hỏi giáo viên những vấn đề khó để củng cố và nâng cao kiến thức. Em tập trung thời gian để giải thử các đề thi tốt nghiệp hàng năm. Học hỏi thêm bằng việc học online.
Học sinh cần tập trung ôn tập đảm bảo kết quả kỳ thi.
Chủ động thời gian ôn tập
Từ ngày 4-5-2020, khi học sinh trở lại trường sau đợt nghỉ dài ngày do dịch Covid-19, các trường đã bố trí thời khóa biểu dạy học kỳ 2 và kế hoạch tổ chức ôn tập bồi dưỡng chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020. Đến nay, các trường cam kết đảm bảo thời gian kết thúc năm học theo quy định.
Trường THPT Nguyễn Ngọc Thăng, từ ngày 4-5 đến 27-6-2020, dạy chương trình học kỳ II. Từ ngày 6-7 đến 1-8-2020 sẽ tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT, dạy tăng tiết các môn thi tốt nghiệp. Cụ thể, môn Toán, Ngữ văn tăng 7 tiết/tuần; môn Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân 6 tiết/tuần. Học sinh học 6 môn thi ở các buổi sáng (thứ Hai và thứ Bảy) và 3 buổi chiều; tổ chức phụ đạo học sinh yếu. Tổ bộ môn Toán của trường cũng đã phân phối, tổ chức lại chương trình giảng dạy lớp 12.
“Trong học kỳ I, chủ động tăng tiết đã dạy tiếp chương trình học kỳ II nên theo chương trình giảm tải, bộ môn toán của trường còn 4 tuần để ôn thi học kỳ II. Sau khi kết thúc học kỳ II, chúng tôi sẽ tổ chức ôn tập lại kiến thức học kỳ I”, thầy Nguyễn Ngọc Minh - Tổ Toán, Trường THPT Nguyễn Ngọc Thăng cho hay.
Tại Trường THPT Lạc Long Quân (TP. Bến Tre), trường đã dạy trước 2/3 chương trình học kỳ II. Theo đánh giá của giáo viên khối 12 của trường, thời gian ôn tập phù hợp so với các năm trước, không quá áp lực cho giáo viên và học sinh.
Trưởng phòng Giáo dục trung học - giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Cao Minh Sơn cho rằng: Thời gian rộng để ôn tập nhưng các trường không nên chủ quan, cần bố trí và tăng cường kiến thức, ôn luyện. Đối với học sinh khá giỏi sẽ tăng cường các kiến thức nâng cao để phục vụ kiến thức cho kỳ thi vào các trường đại học, cao đẳng. Giáo viên cần khảo sát sớm đối tượng học sinh có mục tiêu thi vào đại học để có kế hoạch dạy nâng cao. Cần thiết, trong cùng một lớp có thể chia lớp để hiệu quả học tập tốt hơn. Ôn kỹ năng, chuẩn kiến thức, đừng ôn theo bộ đề”.
“Sắp tới, sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, sở sẽ thông báo đến các trường. Năm nay, khả năng một số trường đại học, cao đẳng vẫn sẽ xét tuyển trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó, các trường THPT cần xem xét năng lực học sinh phân hóa giảng dạy, ôn tập để giúp học sinh đáp ứng các kỳ thi sắp tới”.
(Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Minh Nhựt)
|
Bài, ảnh: Phan Hân - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)