* TP Cần Thơ dự kiến có hơn 9.600 thí sinh dự thi
Sáng 5-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành dự tại điểm cầu Cần Thơ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ diễn ra trong 2 ngày 9 và 10-8. Thí sinh là học sinh hệ THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên thi 2 bài bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý); có thể dự thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ). Theo Bộ GD&ĐT, nét mới năm nay là tăng cường tự chủ của các địa phương trong tổ chức kỳ thi. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh, thành phố tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi.
Nét mới của thi tốt nghiệp THPT 2020 là tăng cường tự chủ của các địa phương trong tổ chức kỳ thi. Trong ảnh: Thí sinh dự Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại điểm thi Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng Bộ cần chọn, phân công, phân nhiệm cụ thể cán bộ tham gia thanh, kiểm tra; người chấm thi phải có năng lực chuyên môn, đạo đức. Đi đôi với bảo mật an toàn đề thi, nội dung đề thi nên đảm bảo sự phân hóa để phục vụ xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, việc bổ sung lãnh đạo các quận, huyện vào khâu tổ chức sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho kỳ thi. Kỳ thi năm nay, cán bộ, giảng viên đại học chỉ tham gia thanh tra, giám sát; tất cả cán bộ coi thi sẽ là giáo viên các trường THPT, đòi hỏi thầy cô phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm. Độ khó của đề thi sẽ phù hợp với thực tế tinh giản chương trình nhưng vẫn đảm bảo tính phân hóa để làm cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tính chất quan trọng của kỳ thi năm 2020. Từ nay đến kỳ thi chỉ còn khoảng 2 tháng, các địa phương cần chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ; đảm bảo kết thúc năm học 2019-2020 trước ngày 15-7 cũng như hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ quan chuyên môn tham mưu các tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành; chọn lựa kỹ cán bộ tham gia ban chỉ đạo. Các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, đảm bảo an toàn, an ninh tất cả các khâu thi tốt nghiệp THPT năm 2020, nhất là công tác sao in bảo mật, vận chuyển đề thi.
* Tại Cần Thơ, dự kiến có 9.620 học sinh lớp 12 của hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Hiện nay, tất cả các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố đã tổ chức ôn thi, củng cố kiến thức cho học sinh.
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được Bộ công bố, quy trình coi thi, chấm thi, bảo quản bài thi về cơ bản giữ như Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên, tổ hợp Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài thi, môn thi: 120 phút đối với Ngữ văn; 90 phút đối với Toán; 60 phút đối với Ngoại ngữ; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Trong quy chế nêu rõ, thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được thi buổi đó. Đồng thời, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh có thể rời phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi. Trường hợp cần thiết như đau ốm phải cấp cứu, thí sinh được ra khỏi phòng nhưng có sự giám sát.
Về mốc thời gian, thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) tốt nghiệp THPT năm 2020 từ ngày 15-6 đến 30-6. Sở GD&ĐT, các điểm thu nhận hồ sơ sẽ tiếp nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh; nhập thông tin ĐKDT, đăng ký xét tuyển đợt 1 của thí sinh vào cơ sở dữ liệu Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về Sở GD&ĐT trước ngày 20-7. Các trường tổ chức xét tuyển thẳng thí sinh theo quy định và thông báo kết quả xét tuyển thẳng trước ngày 20-8. Trước ngày 5-9, thí sinh trúng tuyển thẳng gửi hồ sơ và xác nhận nhập học tại các trường. Trước ngày 7-9, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe. Trước ngày 8-9, các trường điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường.
Tin, ảnh: B.Kiên - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)