Toàn cảnh họp báo - Ảnh: Tuổi trẻ
Ngày 30/6, tại cuộc họp báo định kì do Bộ GD&ĐT tổ chức, ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ cho biết đang xây dựng dự thảo quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, sẽ tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9. Thời điểm tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9.
Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh sẽ không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng năm học. Từ năm 2020-2021, việc tựu trường và đi học trước khoảng một tháng rồi mới khai giảng sẽ chấm dứt. Các trường tập trung học sinh trước ngày khai giảng chỉ để ổn định nề nếp.
“Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học nhằm giảm tải chương trình. Vì vậy, thời gian thực học ở cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (trước là 37 tuần), tương đương với cấp tiểu học. Điều chỉnh này nhằm tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên, học sinh”, đại diện Bộ khẳng định.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Quang Nam cũng cho biết Bộ đang dự thảo quy chế dạy học trực tuyến nhằm hỗ trợ việc dạy học, nhất là trong những tình huống đặc biệt như bùng phát dịch COVID-19 vừa qua.
Giáo viên lớp 1: Không đạt yêu cầu sẽ không bố trí dạy
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, tuy nhiên, dịch COVID-19 vừa qua khiến việc chuẩn bị, tập huấn giáo viên gặp khó khăn.
Trong cuộc họp báo, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc liệu Bộ GD&ĐT có gấp gáp khi giữ nguyên tiến độ triển khai chương trình mới ở lớp 1 không. Có những thông tin được phóng viên cung cấp tại cuộc họp báo cho biết ở một số địa phương, giáo viên tiểu học không nắm được tinh thần đổi mới giáo dục.
Về điều này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học khẳng định: "Nếu giáo viên không tham gia tập huấn hoặc tham gia không đầy đủ, giáo viên có tham gia tập huấn nhưng khi làm bài kiểm tra để đánh giá kết quả tập huấn không đạt sẽ chưa bố trí dạy lớp 1 trong năm học tới".
Theo ông Tài, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương bố trí dư số giáo viên tham gia tập huấn để có thể sàng lọc, giữ lại những người bảo đảm yêu cầu, ưu tiên bố trí dạy lớp 1 trong năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục mới này.
Sẽ có hướng đi phù hợp với trường chuyên trong thời gian tới
Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mô hình trường trung học phổ thông chuyên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết Đề án 959 về phát triển trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 được triển khai trên kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới giáo dục, trong đó có nội dung yêu cầu tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc trung học phổ thông.
Cũng theo ông Thành, Bộ đang lên kế hoạch tổ chức tổng kết Đề án 959 trong năm nay. “Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương báo cáo và tập hợp về bộ, qua đó sẽ đánh giá căn bản quá trình phát triển trường chuyên trong các giai đoạn khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau để xác định đến giờ, mô hình này đã đạt được những gì, cái gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Từ đó, Bộ sẽ có hướng đi phù hợp với trường chuyên trong thời gian tiếp theo. Bộ cũng đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu bài bản về mô hình này để có đánh giá khoa học,” ông Thành nói.
Trả lời về chất lượng trường chuyên, ông Thành cho biết trường chuyên được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và kết quả cũng cho thấy chất lượng đào tạo của trường chuyên cao hơn so với giáo dục đại trà. Thống kê của các trường đại học cho thấy số lượng sinh viên học ở các lớp chất lượng cao xuất phát từ các trường chuyên rất nhiều. Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế trong những năm vừa qua cũng đạt rất nhiều thành tích cao. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường chuyên, trong đó có các phòng thí nghiệm, đã giúp các em có thể hoàn thành tốt các phần thi thực hành, vốn là điểm yếu của thí sinh Việt Nam khi thi quốc tế.
Về vấn đề tồn tại các bậc trung học cơ sở trong hệ chuyên, ông Thành cho biết các trường có thể tận dụng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để có thể mang đến lợi ích cho nhiều học sinh hơn. Các bậc học này không được gọi là lớp chuyên theo quy định của Bộ.
Nguồn: (cantho.com.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)