“Rủ nhau” đi học tiếng Anh
Học sinh tham gia lớp học tình thương trong giờ học từ vựng tiếng Anh với chủ đề: “Các loại trái cây”.
Trường Trung cấp Hồng Hà TP Cần Thơ nằm khuất trong hẻm 557 đường Trần Quang Diệu, phường An Thới (quận Bình Thủy) là nơi 96 thiếu nhi tham gia học khóa tiếng Anh miễn phí từ ngày 21-7 đến nay. Từ sáng sớm, các em có mặt đầy đủ, hồ hởi vào lớp học. Anh Nguyễn Phú Duy Tiến, Bí thư Đoàn trường ân cần đón các em ngay từ cổng trường, hướng dẫn các em rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang để các em đeo vào, bảo vệ sức khỏe trước diễn biến dịch COVID-19 ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, không vì thế mà lớp học “bớt” hào hứng. Mỗi buổi học bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút, các ngày thứ hai, tư và sáu hằng tuần. Để giờ học hiệu quả, Ban tổ chức chia học sinh ra 4 lớp học. Mỗi lớp từ 20 đến 30 em, tùy theo lứa tuổi, cấp học (bao gồm khối tiểu học và khối THCS).
Tuy là lớp học tình thương nhưng cơ sở vật chất khá đầy đủ và hiện đại. Phòng học khang trang, có máy chiếu, loa âm thanh, quạt gió... Các sinh viên phụ trách giảng dạy đều học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Đại học Tây Đô) vừa vững kiến thức, vừa tận tình hướng dẫn, nên học sinh đều hào hứng tham gia lớp học. Em Nguyễn Mỹ Kim, học sinh lớp 3 (Trường Tiểu học Cái Khế 2), nhà ở phường An Thới, quận Bình Thủy, chia sẻ: “Lớp học rất vui và bổ ích. Em học được nhiều từ vựng mới về nhiều chủ đề, từ các loại trái cây, cách đọc số đến cách giới thiệu bản thân, hỏi đường đi. Cô giáo dạy chúng em còn tổ chức học qua trò chơi dân gian rất hấp dẫn”. Còn em Lê Vi An, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Ninh Kiều) là học sinh năng nổ trong lớp học bởi thường xuyên xung phong phát biểu. An cho biết từng học ở trung tâm ngoại ngữ vào dịp hè nhưng năm nay em được mẹ cho tham gia lớp học tiếng Anh này. Cha mẹ em đều sống bằng nghề buôn bán nhỏ, thu nhập bấp bênh nên khi tham gia lớp học, em không phải đóng học phí, hơn nữa còn biết thêm nhiều bạn mới.
Theo anh Nguyễn Hoàng Kiệt, Bí thư Đoàn phường An Thới, ngoài học kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, Ban tổ chức lớp còn lồng ghép sinh hoạt hè cho các em thông qua hoạt động sinh hoạt đội - nhóm, trò chơi dân gian, chia sẻ về kỹ năng tự lập, giáo dục đạo đức lối sống thông qua những bài học xử lý tình huống do thầy cô đặt ra. Nhờ những hoạt động đa dạng, hấp dẫn, mỗi ngày đến trường, các em đều học được một bài học mới, ý nghĩa…
Lan tỏa lòng nhân ái
2 năm qua, anh Nguyễn Phú Duy Tiến thường xuyên mở lớp ôn tập hè cho học sinh tại các địa bàn khó khăn, phụ đạo các môn: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh… Nhưng anh ấp ủ ý tưởng “nâng cấp” lớp ôn tập hè thành một lớp học tình thương dạy tiếng Anh bởi mong muốn các em có sân chơi bổ ích và trang bị kỹ năng hội nhập. Thế là anh bàn bạc, đề xuất với Đoàn khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tây Đô) tổ chức lớp học tiếng Anh này. Đảm trách nhiệm vụ giảng dạy là nhóm 10 sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của trường, còn anh phụ trách lo cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động vui chơi, quản lý học sinh và vận động nguồn lực hỗ trợ quà tặng (dụng cụ học tập, tập sách) cho các em. Duy Tiến bộc bạch: “Lớp học ưu tiên cho đối tượng học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn; những trường hợp đăng ký học vì niềm đam mê học tiếng Anh, nếu còn chỗ, Ban tổ chức cũng xem xét”.
Đồng hành với Tiến còn có nhiều sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Tây Đô, phụ trách giảng dạy, quản trò và thiết kế các trò chơi cho các em. Bạn Hà Tường Vy, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, từ hỗ trợ các chương trình giao lưu với sinh viên quốc tế, đến hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng làm nghề “gõ đầu trẻ” là trải nghiệm đầu tiên của quãng đời sinh viên. Vy tâm sự cô phải mất vài tuần để chuẩn bị bài giảng sao cho đảm bảo tiêu chí các em vừa được vui chơi vừa tiếp thu kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Anh cơ bản. Thế là Vy nghĩ ra cách học tiếng Anh thông qua trò chơi dân gian, nhảy và hát theo nhạc, đố vui có thưởng… Vy hy vọng lớp học sẽ được tổ chức thường niên vào mỗi dịp hè để những em có hoàn cảnh khó khăn được trau dồi kỹ năng, tiến bộ hơn trong học tập.
Nhiều bạn trẻ tình nguyện mong muốn được góp sức trẻ, làm nhiều việc hữu ích cho cộng đồng. Nguyễn Văn Khén, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, chia sẻ: “Lần đầu đứng lớp, tôi còn khá bỡ ngỡ nhưng sau gần 1 tháng giảng dạy, tôi dần tự tin và biết cách quản trò để các em hào hứng, chủ động hơn khi học”. Theo Khén, đây là những trải nghiệm bổ ích giúp Khén nâng cao kỹ năng sư phạm, biết cách hoạt náo để nâng cao kỹ năng mềm, đáp ứng yêu cầu công việc trong tương lai.
Lớp học tình thương tuy chỉ diễn ra hơn 1 tháng hè nhưng điều đọng lại là tinh thần nhân ái, lối sống trách nhiệm, nghĩa tình của tuổi trẻ…
Bài, ảnh: TÚ ANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)