Hỗ trợ con công nhân 9 tháng/năm học
Nghị định 105 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-11-2020, quy định cụ thể các chính sách đối với trẻ học mầm non, cơ sở GDMN, chính sách đối với giáo viên (GV) mầm non...
Theo đó, từ thời điểm trên, trẻ theo học mẫu giáo là con công nhân, người lao động đang làm việc theo hợp đồng tại các KCN, KCX sẽ được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học. Mức hỗ trợ do UBND cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định.
Trẻ vui chơi tại lớp ở Trường Mầm non 4, quận 3, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Đối với đầu tư phát triển cơ sở GDMN, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân (gọi chung là nhà đầu tư) đầu tư vào lĩnh vực này, nghị định cho phép nhà đầu tư được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và các chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật. Đồng thời, được hưởng các chính sách đầu tư xây dựng cơ sở GDMN theo hình thức đối tác công - tư. Ngược lại, cơ sở GDMN công lập được thực hiện một số dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm: dịch vụ bán trú, dịch vụ GDMN ngoài giờ, dịch vụ đưa đón trẻ.
Về chính sách đối với GV mầm non, nghị định quy định mức hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng, áp dụng mức hỗ trợ đối với GV làm việc tại cơ sở GDMN thuộc loại hình dân lập, tư thục được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có KCN, KCX. Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở GDMN dân lập, tư thục với GV và không dùng để tính đóng hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.
Kịp thời, phù hợp
Tại một hội thảo về chính sách phát triển GDMN ở khu vực có KCN, KCX do Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp với Vụ GDMN thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức mới đây, bà Lữ Thị Đông, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nam Long (quận 7, TP HCM), nêu thực trạng thu nhập của GV bậc MN mới ra trường tại các cơ sở ngoài công lập chưa đến 5 triệu đồng/người/tháng. Do đó, nhiều GV luôn mang tâm lý "nhảy" việc, không gắn bó lâu dài, dẫn đến tình trạng nhân sự thường xuyên biến động, gây ảnh hưởng chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ. Việc Chính phủ ban hành nghị định trên tháo gỡ được khó khăn cho các trường, khuyến khích GV gắn bó hơn.
Theo lãnh đạo nhiều trường mầm non, thời gian qua, việc thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này chưa mang lại hiệu quả do thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể về đất đai, thiếu minh bạch trong đầu tư. Với các chính sách được cụ thể hóa trong Nghị định 105, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư hơn. Đối với các địa phương, đây cũng là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh xã hội hóa nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cũng khẳng định việc cụ thể hóa các chính sách về phát triển GDMN theo Luật Giáo dục là kịp thời, phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay.
Theo sở này, thời gian qua, tuy TP đã quan tâm, ban hành nhiều chính sách, chế độ đặc thù song mức thu nhập của đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên trong cơ sở GDMN chưa tương xứng. Một số quy định chưa tính đến đặc thù của một thành phố lớn như TP HCM nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, bất cập nhưng chậm được giải quyết.
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập này, từ năm 2017, Sở GD-ĐT TP đã kiến nghị nhiều giải pháp về tăng lương cho GV; các chế độ đãi ngộ và thu hút GV mới ra trường, nhất là với GV mầm non với tổng kinh phí khoảng 250 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, TP còn có chính sách cho vay ưu đãi không lãi suất học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non.
Mỗi năm, TP HCM có hơn 1.000 giáo viên mầm non bỏ việc
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM, mỗi năm TP cần khoảng 2.000 GV bậc mầm non nhưng chỉ tuyển được khoảng 1.500 GV. Trong khi đó, hằng năm, TP có hơn 1.000 GV ở bậc học này bỏ việc, chuyển việc. Với quy mô trẻ/nhóm, lớp và nhu cầu 2 GV/nhóm, lớp hiện tại, sau khi tuyển thêm, mỗi năm TP vẫn thiếu số lượng rất lớn.
Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)