Học sinh "nổi loạn", phải làm sao?

Chủ nhật, 13 Tháng 9 2020 16:26 (GMT+7)
Dự thảo Thông tư Khen thưởng, kỷ luật học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố sẽ thay thế thông tư trước đây. Không còn hình thức đuổi học, khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường, hướng đến giáo dục nhân văn
Nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục đồng thuận loại bỏ hình thức đuổi học nhưng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có hướng dẫn cụ thể về việc "tạm dừng học trên lớp", phải thực hiện đồng bộ, nhất quán mới có hiệu quả. Đồng thời, cách khen thưởng học sinh cũng đã có những điều chỉnh, tạo động lực cho học sinh phấn đấu, tiến bộ, hạn chế tình trạng giấy khen được phát đại trà.
 
Áp dụng hình thức kỷ luật tích cực
 
Trong dự thảo mới về khen thưởng và kỷ luật học sinh, Bộ GD-ĐT đưa ra các hình thức kỷ luật tích cực như: khuyên bảo, động viên, nhắc nhở riêng tư đối với học sinh khuyết điểm. Có thể phối hợp với cha mẹ hoặc người giám sát hợp pháp học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm hay tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh. Hoặc giáo viên có thể yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện.
 
Đối với học sinh tái phạm nội quy, quy định của nhà trường, đã được thực hiện phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực nhưng chậm khắc phục, sửa chữa thì có thể áp dụng biện pháp khiển trách, cảnh cáo và nặng nhất là tạm dừng học tập trên lớp tối đa 2 tuần.
Học sinh nổi loạn, phải làm sao? - Ảnh 1.
Kỷ luật, khen thưởng học sinh theo quy định mới đòi hỏi cao hơn kỹ năng xử lý tình huống sư phạm của giáo viên Ảnh: QUANG LIÊM
 
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, so với Thông tư 08/TT thì hình thức đuổi học một năm đã được thay thế, điều này phù hợp với thông lệ và xu thế của nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến. Việc tạm dừng học trên lớp có thời hạn 2 tuần là một cách tích cực hơn để nêu cao vai trò giáo dục của gia đình kết hợp với nhà trường trong giáo dục học sinh, đòi hỏi cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh phải tham gia vào kế hoạch chung để điều chỉnh hành vi của học sinh theo hướng tích cực.
 
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cũng cho rằng thay đổi trong dự thảo này thể hiện đúng phẩm chất, phẩm hạnh của người thầy trong quá trình giáo dục con người. Thông tư 08/TT ra đời năm 1988 đến nay đã 32 năm, nên có những vi phạm mang tính thời sự, hơi thở thời đại, đặc biệt vấn đề an ninh mạng thì rõ ràng chưa cập nhật. Do đó, thay đổi để bổ sung là điều tốt, cần thiết và cấp bách.
 
Khó răn đe học sinh tái phạm
 
"Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ, phải thấy rằng hiện nay, vi phạm của học sinh có những hành vi rất nặng, như: xúc phạm thầy cô, đánh nhau với bạn bè… Đối với những hành vi này thường xảy ra ở các học sinh cá biệt, có khí chất "nổi loạn", mà chỉ tạm đình chỉ việc học trên lớp 2 tuần nhưng không quy định được phép tái phạm bao nhiêu lần thì các em sẽ mặc sức vi phạm" - thầy Phú nhận định.
 
Thầy Phú băn khoăn, quy định sắp tới không có điểm dừng, học sinh tái phạm nhiều lần thì lần tiếp theo phải làm gì? Số ngày nghỉ sẽ giải quyết như thế nào, có quy vào hạnh kiểm không? Nếu hạnh kiểm yếu thì phải lưu ban, vậy các em lưu ban 2 năm có bị đuổi hay không?
 
Cần tập huấn cho thầy cô xử lý những tình huống sư phạm trong trường học, chú trọng về kỹ năng, phương pháp nắm bắt tâm lý, tương tác giáo dục tích cực, chủ động với trẻ. “Xử phạt” học sinh đòi hỏi người giáo viên rất yêu nghề, yêu trẻ và dạy dỗ học sinh bằng tâm huyết và tình yêu thương…” - TS tâm lý Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.
 
Thầy Phú cho rằng đối với những học sinh vi phạm nặng, nên có loại hình trường học phù hợp để tiếp nhận học sinh, có biện pháp giáo dục hợp lý. Đối với trường hợp vi phạm nặng, lần thứ nhất ràng buộc là chỉ tối đa hạnh kiểm trung bình; lần thứ hai hạnh kiểm yếu, phải lưu ban. Ràng buộc thì học sinh mới sợ, không tái diễn. Bao dung là đúng nhưng cần có giới hạn, có định mức để còn thấy được tính nghiêm minh trong giáo dục.
 
Việc tạm đình chỉ học trên lớp, đưa học sinh xuống sân trường, cũng cần nghiên cứu, xem xét lại. Nếu lao động thì làm gì, ở đâu, xuống sân thì ai phân công, học sinh gặp sự cố trong khuôn viên nhà trường thì ai chịu trách nhiệm? Thầy cô ngoài công tác chủ nhiệm thì còn công tác chuyên môn. Trong biên chế nhà trường không có tổng giám thị thì ai là người quản học sinh khi các em xuống sân? Nhà trường quản lý 1.000-2.000 con người chứ không phải cắt cử nhiều người cho riêng một học sinh vi phạm.
 
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, thông tư mới cần quy định chi tiết hơn nữa về giáo dục ở gia đình dành cho cha mẹ và người giám hộ học sinh. Điều 20 của dự thảo này chưa thể hiện đầy đủ vai trò quan trọng của giáo dục trong gia đình.
 
Đòi hỏi cao hơn kỹ năng sư phạm
 
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục Tập đoàn Microsoft, đánh giá nguyên lý, triết lý của dự thảo này rất tốt, phù hợp xu hướng giáo dục toàn cầu. Vấn đề là làm như thế nào cho hiệu quả, người thực hiện phải làm gì để dự thảo thông tư này không bị "phá sản".
 
Bộ GD-ĐT phải có hội nghị các nhà khoa học, chuyên gia tâm lý học, từ đó học hỏi các nước, tình hình Việt Nam để đưa ra những lộ trình, quy trình xử lý kỷ luật. Cần mô tả rõ hành vi, mức độ thì xử lý như thế nào, tùy vùng miền. Đưa đứa trẻ ra để giáo dục cá thể thì đương nhiên phải xác định đưa đi đâu? Ai là người chịu trách nhiệm, tiêu chí nào để quyết định trẻ đã được định hướng, đã thay đổi hành vi, quy trình thay đổi hành vi diễn ra thế nào?.
 
Đối với giáo viên cần có kỹ năng nhận diện và dự báo hành vi, những đứa trẻ như thế nào sẽ ứng xử ra sao, tìm cách ngăn ngừa trước khi hành vi diễn ra thay vì để hành vi diễn ra mới xử lý. Phương pháp sư phạm là quan trọng nhất để thực hiện được thông tư này.
 
"Dự thảo là hành lang pháp lý để vận dụng, xử lý kỷ luật hay khen thưởng. Nhưng văn bản hướng dẫn thực hiện mới là điều mong chờ nhất, cần nhiều phản biện từ các chuyên gia. Văn bản hướng dẫn phải có tính khả thi" - bà Quyên nhận định.
 
TS tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng đây là thay đổi phù hợp với sự phát triển về tâm lý, phương pháp giáo dục hiệu quả về đạo đức, lối sống cho các học sinh. Tuy nhiên, cần tăng cường hình thức đa dạng hơn trong 2 tuần ngưng học văn hóa thì làm gì.
 
"Cốt lõi của giáo dục là hình thành nhân cách của một con người hoàn thiện. Thầy cô là kỹ sư tâm hồn, ngoài kiến thức về chuyên môn, phương pháp sư phạm thì thầy cô cũng đóng vai trò là "chuyên gia tâm lý sư phạm", am hiểu tâm lý mới đồng cảm, nghiêm khắc, nhạy cảm, đặt mình vào vị trí, thấu hiểu sự phát triển tâm sinh lý của các bạn để lấy nhu thắng cương, bằng nghệ thuật thuyết phục lay động được học sinh đi theo con đường đúng" - TS Hòa An chia sẻ. 
 
Phá bỏ bức tường bảo vệ giáo viên
 
"Trước đây, giáo viên nghĩ có một bức tường bảo vệ khỏi những học sinh chây lười học tập, nghỉ nhiều, vô phép, vô lễ, có những ràng buộc, kỷ luật thì đủ răn đe. Nay bỏ thì giáo viên phải rèn luyện đức tính kiên nhẫn, chịu đựng, nhẫn nại. Và phải có biện pháp cứng rắn, chế tài xử nặng giáo viên nếu như xúc phạm học sinh. Học sinh được bảo vệ bằng một bức tường lửa, bức tường pháp lý rất hữu hiệu. Nếu vậy, giáo viên sẽ có tâm lý buông lỏng "dễ người, dễ ta". Học sinh hư, giáo viên cũng không dám mạnh tay xử lý" - thầy Huỳnh Thanh Phú nêu quan điểm.
 
NGUYỄN THUẬN - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục