Vật lộn với chương trình lớp 1

Thứ bảy, 26 Tháng 9 2020 07:39 (GMT+7)
SGK và chương trình lớp 1 mới vượt sức học của học sinh. Năm học 2020-2021 có lẽ là năm học đầy khó khăn với học sinh, phụ huynh và cả giáo viên
Năm học mới đã bắt đầu được 2 tuần nhưng nhiều phụ huynh có con học lớp 1 năm nay kêu khó vì trẻ vẫn phải làm bài tập quá nhiều.
 
SGK còn nặng, phụ huynh ngao ngán
 
Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, điểm đặc biệt của các bộ sách giáo khoa (SGK) năm nay là sách đẹp, kênh hình đa dạng, phong phú. Học sinh (HS) lớp 1 độ tuổi còn nhỏ nên nhìn vào hình đều thích thú và ham tìm hiểu. Tuy nhiên, nhiều kiến thức trong SGK, như môn tiếng Việt, vượt quá sức học của các em, phụ huynh phải vật lộn để học cùng con.
 
Chị Minh Tuyết, một phụ huynh tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết bộ sách mà con chị dùng trong năm học này là bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" của NXB Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, ngay từ tuần đầu, ở môn tiếng Việt, HS đã phải học về ghép vần. "Thông thường, để ghép được vần, HS phải nhớ mặt chữ cái thì mới ghép được. Thế nhưng, theo chương trình mới, các con không được học trước. Thời gian trên lớp của giáo viên (GV) cũng không nhiều nên thường giao bài tập về nhà cho con, bằng cách tìm ghép thêm nhiều vần. Vì vậy, tối nào cả nhà cũng phải cùng học với con nên khá mệt" - chị Tuyết chia sẻ.
Vật lộn với chương trình lớp 1 - Ảnh 1.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TP HCM) trong giờ học môn tiếng Việt theo chương trình mới Ảnh: TẤN THẠNH
 
Nhiều phụ huynh khác cũng phản ánh HS còn phải học về thanh điệu, viết các dạng chữ như chữ in hoa, chữ nhỏ. Với những yêu cầu này, HS nào được học trước, thuộc chữ cái, âm vần thì sẽ dễ dàng hơn. Chị Minh Trang - một phụ huynh tại quận Thủ Đức, TP HCM - nói trường của con chị chọn bộ sách "Chân trời sáng tạo", cũng có bài tập viết chữ in hoa và cỡ chữ nhỏ nhưng đến giờ, con chị vẫn còn lẫn lộn hai kiểu chữ, chưa nhớ hết chữ cái.
 
Không chỉ phụ huynh, nhiều GV đang dạy lớp 1 cũng thừa nhận khá lúng túng khi dạy theo SGK mới. Cô N.H, GV một trường tiểu học tại TP HCM, dẫn chứng SGK mới sử dụng nhiều hình ảnh để minh họa là tốt nhưng những hình đó nên gắn liền với những sự vật quen thuộc để các em dễ nhận dạng, dễ ghi nhớ hơn. Ví dụ học vần "b", minh họa bằng hình quả bưởi thì đa số HS đều biết nhưng cũng có những hình ảnh không phổ biến, như vần "c" minh họa bằng quả cà tím, nhiều em không biết được nên GV phải minh họa bằng một hình ảnh khác.
 
Giáo viên quá tải
 
Vừa dạy vừa tiếp tục tập huấn rút kinh nghiệm, nhiều GV dạy lớp 1 rất vất vả để hoàn thành tốt yêu cầu.
 
Cô N.A, GV một trường tiểu học tại quận 5, TP HCM nhìn nhận dù đã có hướng dẫn cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng thay đổi cách đánh giá HS, bớt việc cho GV để chuyên tâm vào bài giảng nhưng việc giảng dạy không dễ dàng. Chẳng hạn như bài tập đọc bộ "Chân trời sáng tạo", GV phải tìm thật nhiều từ có các vần liên quan để cho HS làm quen. Trong khi đó, để tìm được thật nhiều từ có nghĩa, dễ hiểu, có trong thực tế cho HS tập đọc cũng là một thử thách không nhỏ. Ví dụ, khi đọc các vần a, b, c, o, ơ, ô, v, e thì GV phải tìm ít nhất 32 từ có các vần đó, là các từ có nghĩa. "Thế nên xảy ra trường hợp, khi trên lớp không đủ thời gian, GV sẽ yêu cầu HS về nhà đọc lại, tìm thêm. GV nào sợ bị phản ánh giao bài về nhà quá nhiều thì mặc kệ HS, chỉ lướt qua nên em nào tiếp thu được thì tốt" - cô N.A nói.
 
Với môn toán, GV cũng than quá tải. Trên một diễn đàn của GV tiểu học, nhiều GV chia sẻ ngay tuần đầu tiên, GV đã phải dạy HS nhận biết về "nhiều hơn, ít hơn". Bài học này minh họa bằng các hình vẽ nhưng không phải hình vẽ nào cũng rõ ràng để HS phân biệt. Lại thêm các bài như ở bài "hình vuông, hình tròn", hình minh họa trong sách vẽ không sắc nét, khiến HS cảm nhận hình vuông bị lệch.
 
Một số GV còn cho rằng ở độ tuổi còn nhỏ, các em HS lớp 1 thường hỏi đi hỏi lại, thắc mắc cả buổi. GV chỉ còn cách tìm bên ngoài thêm những ví dụ khác, gần gũi và thực tế hơn để giải thích cho các em. 
 
Giáo viên lo là... tín hiệu đáng mừng
 
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, TP HCM phụ trách giáo dục tiểu học, cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới đã có sự chuẩn bị rất kỹ, từ khung chương trình, SGK, tập huấn GV. Quá trình đánh giá tập huấn cũng đã quy ra hai mức độ là đạt và không đạt. Nói như vậy để thấy khâu chuẩn bị đã rất tốt. Còn trong thực tế, khi GV nói lo lắng đó là một tín hiệu đáng mừng, vì nếu không thì không biết chỗ nào còn hạn chế để sửa chữa, rút kinh nghiệm hay đổi mới.
 
Với chương trình mới, vai trò của người làm công tác quản lý giáo dục, hiệu trưởng rất quan trọng, đó là tiếp cận cái mới để hỗ trợ GV. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, xem GV còn khó khăn ở khâu nào, gặp trở ngại ở đâu để có giải pháp, không để GV "tự bơi". Còn ở vai trò người GV, quá trình giảng dạy cần phải nhận diện khó khăn ở khâu nào, ở khâu soạn giảng, người học, hay chương trình để qua đó có biện pháp điều chỉnh. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, phải để GV được nói, được chia sẻ về những việc này. Còn đối với phụ huynh, thường có tâm lý thích con mình học cái gì cũng biết ngay. Phụ huynh cần hiểu về chương trình, yêu cầu của chương trình như thế nào và con mình đã đạt được ra sao chứ không nên tạo ra áp lực cho con.
 
Còn theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 7, TP HCM, trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, nhà trường khuyến khích GV chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm, sáng tạo khi dạy theo chương trình mới. Cuối tuần qua, trường cũng đã gặp gỡ toàn bộ phụ huynh khối lớp 1 để phổ biến về chương trình mới, SGK; đề nghị phụ huynh không nên nôn nóng, gây áp lực cho con mình. Về SGK, nếu chỗ nào còn thắc mắc, có thể trực tiếp trao đổi với GV.
 
Đ.Trinh
 
Giáo viên sử dụng hồ sơ điện tử thay hồ sơ giấy
 
Theo Điều lệ trường tiểu học ban hành theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 4-9-2020 (có hiệu lực từ ngày 20-10-2020) của Bộ GD-ĐT, hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với GV tiểu học bao gồm: Kế hoạch bài dạy; sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của HS; sổ chủ nhiệm (đối với GV chủ nhiệm); sổ công tác Đội (đối với tổng phụ trách Đội). Cũng theo điều lệ mới, cán bộ quản lý, GV và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy nhằm bảo đảm yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy. Bộ GD-ĐT còn quy định giám đốc sở GD-ĐT, trưởng phòng GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không quy định thêm những loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định của điều lệ hoặc quy chế nhà trường do Bộ GD-ĐT ban hành.
 
Phương Quỳnh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục