Liên Chi hội sinh viên Bến Tre (Trường Đại học Tây Đô) tình nguyện xây dựng nhà cho hộ nghèo ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ răng - hàm - mặt, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ năm 2016, Lê Hoàng (quê ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) học tiếp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh (Trường Ðại học Cần Thơ) để nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh. Sau hơn 2,5 năm học tập, tháng 7-2020, anh tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh. Hoàng chia sẻ: “Từ thời sinh viên, tôi có cơ hội hỗ trợ phiên dịch các đoàn y, bác sĩ nước ngoài đến khám bệnh miễn phí cho người dân vùng ÐBSCL. Từ đó, tôi yêu thích ngoại ngữ nên ước mơ sau khi ra trường sẽ mở trung tâm ngoại ngữ của riêng mình”. Hoàng kể, bén duyên với ngành học hoàn toàn mới, nhưng anh khá tự tin và sớm hòa nhập với các môn học bởi từng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và các chương trình tình nguyện quốc tế. Ngoài hỗ trợ phiên dịch cho các đoàn chuyên gia nước ngoài, 4 năm qua, mỗi năm, anh đều dành dụm tiền đi du lịch một quốc gia để tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán của các nước trên thế giới. Hoàng còn thành lập một câu lạc bộ tiếng Anh, tập hợp nhiều bạn trẻ yêu thích tiếng Anh để trau dồi kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ.
Bỏ công học bác sĩ nhưng lại “rẽ sang” làm giáo viên, ban đầu cha mẹ Hoàng phản đối nhưng sau đó chuyển sang tự hào về con trai. Có bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh, Hoàng vừa đăng ký thành lập Trung tâm Anh ngữ Wister English (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để khởi nghiệp. “Không thể phủ nhận những hoạt động xã hội không chỉ chuyển hướng mục tiêu phát triển nghề nghiệp của tôi, mà còn giúp tôi nhận diện thế mạnh, năng khiếu của bản thân, từ đó xác định mục tiêu phấn đấu trong học tập. Thông qua các hoạt động cũng giúp tôi trang bị nhiều kỹ năng để khởi nghiệp, từ kỹ năng quản lý, điều hành; làm việc nhóm đến các kiến thức về khởi nghiệp” - Hoàng chia sẻ.
Anh Lê Trung Sơn, học viên cao học ngành Công nghệ sinh học (Trường Ðại học Cần Thơ), cho rằng hoạt động xã hội không chỉ là những hoạt động tình nguyện, mà có thể những công việc ngoại khóa, như: hỗ trợ thầy cô thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu; tham gia hỗ trợ công tác tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế. Việc tham gia các hoạt động xã hội còn giúp bạn trẻ học được nhiều điều bổ ích, từ phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học, qua đó giúp người học tích lũy và phát huy kiến thức chuyên môn. Anh Sơn chia sẻ, khi còn là sinh viên, anh không chỉ tham gia hoạt động tình nguyện, còn hỗ trợ giảng viên thực hiện các đề tài khoa học, trải nghiệm về nghiên cứu cách lai tạo các giống lan tại tỉnh Lâm Ðồng. Qua đó, giúp anh có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu và công việc hiện tại.
Học từ trải nghiệm
Theo anh Nguyễn Phạm Quốc Anh, Phó Bí thư Ðoàn Trường Ðại học Tây Ðô, tuần lễ đầu của tháng 10-2020, các cấp bộ Ðoàn - Hội tổ chức các hoạt động chào tân sinh viên. Trong tuần lễ sinh hoạt đầu khóa, tổ chức Ðoàn - Hội lồng ghép giới thiệu về các liên chi hội sinh viên, cũng như các câu lạc bộ, đội, nhóm theo sở thích. Ðây là cơ hội để các sinh viên đăng ký tham gia hoạt động đội, nhóm ngay từ khi bước vào môi trường học tập mới. Tổ chức Ðoàn - Hội Sinh viên trường còn tạo nhiều sân chơi bổ ích, như: Hội diễn văn nghệ chào tân sinh viên, tập huấn kỹ năng, giúp sinh viên hòa nhập môi trường học tập mới và trau dồi kỹ năng mềm. Nguyễn Thị Huyền Thoại, thành viên Câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” TP Cần Thơ, sinh viên ngành Luật Kinh tế (Trường Ðại học Tây Ðô), cho rằng tham gia các hoạt động xã hội ngay từ bước chân vào trường đại học sẽ giúp tân sinh viên sớm hòa nhập môi trường học tập mới, đồng thời xây dựng nhiều mối quan hệ xã hội rộng mở hơn.
Ðồng hành với sinh viên, hàng năm, tổ chức Ðoàn - Hội ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế cho sinh viên, như: Tham quan và trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, thành lập đội sinh viên tình nguyện theo chuyên môn hoặc lồng ghép các nội dung đào tạo kỹ năng quản lý, điều hành các câu lạc bộ, đội, nhóm trong các lớp tập huấn cán bộ Ðoàn - Hội. Theo nhiều cán bộ Ðoàn, khi tham gia các hoạt động xã hội dù với vai trò thành viên hay cộng tác viên, sinh viên đều được bước ra khỏi không gian lớp học, tập làm việc trong một hệ thống có tổ chức kỷ luật, rèn luyện cho bản thân nhiều kỹ năng mềm như: giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống, kỹ năng lãnh đạo và trau dồi nhiều kiến thức chuyên môn.
Không thể phủ nhận việc tham gia các dự án tình nguyện và các câu lạc bộ, đội, nhóm sinh viên giúp bạn trẻ trở nên dạn dĩ, tự tin hơn, kiến thức xã hội phong phú và đa dạng hơn. Ðây là “chìa khóa” giúp nhiều bạn trẻ nâng cao khả năng cạnh tranh trong nghề nghiệp, việc làm tương lai.
Bài, ảnh: TÚ ANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)