Rèn kỹ năng sống cho học sinh

Thứ ba, 05 Tháng 1 2021 10:20 (GMT+7)
Các trường từ mầm non đến THPT đã đổi mới về nội dung và đa dạng về hình thức rèn luyện, để mỗi học sinh tự tin lấy đó làm hành trang vững chắc bước vào đời.
Học sinh hào hứng khi được bơi xuồng trên ruộng.
 
Mới lạ hoạt động trải nghiệm thực tế
 
Hào hứng khi được bắt cá ngay tại ruộng, hay rượt bắt vịt chạy đồng, em Nguyễn Quang Vinh, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Tân Hòa, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Một ngày ra đồng của em thật thú vị và mới lạ. Đây là các hoạt động mà từ đó giờ em chưa được tham gia. Nhờ các hoạt động trải nghiệm thực tế, nhà trường tổ chức giúp em có thêm nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống”.
 
Với việc thiết kế chuỗi hoạt động trải nghiệm “Một ngày ra đồng” độc đáo, mới lạ, ý nghĩa tại cánh đồng mẫu lớn thuộc xã Trường Long Tây, nhiều học sinh khối lớp 9 của nhà trường đã có được những ngày nghỉ cuối tuần vô cùng ý nghĩa, bổ ích cùng bạn bè. Các em được đi chợ xã để mua các vật dụng cần thiết cho một ngày trải nghiệm, tham gia thi nấu ăn với chủ đề “Mâm cơm đồng quê”, chơi trò chơi nông dân cạp dưa hấu, đua thuyền trên cạn, tham gia các hoạt động trải nghiệm như: giăng lưới, kéo côn, chài cá, câu cá, bắt chuột đồng, bắt vịt… Ông Nguyễn Văn Sáu, phụ huynh học sinh, cho biết: “Tôi mừng khi con được thầy cô dạy cho biết nhiều kỹ năng sống vô cùng cần thiết này. Nhìn con quần áo còn bùn đất, mồ hôi nhễ nhại nhưng luôn vui tươi, tôi yên tâm lắm vì thấy các con đã được nhà trường giáo dục tốt, gắn lý thuyết bài học với thực hành”.
 
Ông Nguyễn Phước Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hòa, cho biết: “Đây là hoạt động trải nghiệm thực tế lần đầu tiên nhà trường phối hợp với xã Trường Long Tây tổ chức cho học sinh. Hoạt động vừa rèn kỹ năng sống cần thiết, vừa để các em gần gũi và gắn bó hơn với quê hương, với công việc của cha ông mình. Nhất là từ các hoạt động học sinh biết thế nào là làm việc nhóm, biết đoàn kết, biết cách giao tiếp cùng bạn bè, biết quý trọng hơn sức lao động và nhất là phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc như: duy trì bữa cơm gia đình, cách nấu các món ăn dân dã, chơi các trò chơi dân gian…”.
 
Dạy nhiều kỹ năng phong phú
 
Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh đã tạo được niềm tin trong phụ huynh khi thiết kế và đưa vào các phương pháp tích hợp, lồng ghép kỹ năng sống vào các môn học phù hợp. Thầy Trịnh Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên dạy môn công nghệ Trường THCS Hoàng Diệu, chia sẻ: “Tôi từng chứng kiến nhiều học sinh học rất giỏi nhưng kỹ năng giao tiếp, trao đổi qua lại với mọi người lại rất hạn chế, kết quả là khó tìm được việc làm. Vì thế, tôi xác định dạy chữ phải đi đôi với dạy làm người”. Để làm được điều đó, thời gian qua trong từng tiết dạy của mình, thầy Tâm luôn gắn lý thuyết với thực hành. Ưu tiên nhiều cho hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh chủ động quan sát sự vật, hiện tượng, vấn đề và tự rút ra kinh nghiệm, bài học cho bản thân. Như thông qua “Câu lạc bộ sáng tạo”, thầy đề ra các chủ đề cụ thể cho từng tháng. Học sinh từng lớp chia nhóm ra thực hiện. Các em ít nhất một lần thi tài với nhau để viết lời bình, tự chọn hình ảnh, trình chiếu, diễn kịch… Từ đó rèn cho học sinh khả năng thuyết trình trước đám đông, giao tiếp, làm việc nhóm… hiệu quả.
 
Tại Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ, việc phát huy hiệu quả tổ tư vấn học đường, kết hợp với tổ chức mô hình “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”, đã giúp học sinh trường tự tin hơn trong học tập và hoạt động giao tiếp. Ông Dương Công Đời, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tại đây, các vấn đề gặp khó khăn cả về tâm, sinh lý của học sinh được tổ tư vấn trao đổi, chia sẻ kịp thời. Chúng tôi lồng ghép vào các buổi sinh hoạt những những câu chuyện về tình bạn trong môi trường học đường, trong cuộc sống, định hướng xây dựng tình bạn đẹp trong học sinh, chia sẻ kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do bạo lực học đường gây ra, kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn bạo lực học đường…”.
 
Song song đó, việc trang bị kỹ năng sống, khả năng tự phục vụ bản thân cho học sinh, nhất là học sinh các trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú được xem là nhiệm vụ quan trọng của các nhà trường. Bà Phạm Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Ngoài việc chăm lo tốt bữa ăn hàng ngày cho trẻ, nhà trường còn quan tâm đến chất lượng giáo dục và rèn kỹ năng sống cho các bé. Đây là một trong những nội dung quan trọng. Khi trẻ có được các kỹ năng như: khả năng tự phục vụ bản thân thông qua dạy bé cách tự cầm muỗng ăn, cách vệ sinh tay, cách thay quần áo, cách trải ga nệm, cách làm việc nhóm cùng bạn thông qua các trò chơi vận động, cách chào hỏi khi đến lớp và ra về, kỹ năng đọc sách… sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách một cách toàn diện. Rèn kỹ năng sống tốt giúp trẻ tự tin hơn trong các cấp học kế tiếp”.
 
Cùng với việc thực hiện tốt hoạt động giảng dạy, việc chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường đã giúp các em hiểu biết nhiều về những kiến thức xã hội cần thiết, học tập tốt và bảo vệ bản thân tốt nhất, để các em tự tin hoàn thiện bản thân.
 
Bài, ảnh: CAO OANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục