Hợp nhất để tập trung nguồn lực?
Như vậy, 2 bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" mà học sinh lớp 1 nhiều trường học trên cả nước đã "biến mất".
Chia sẻ về sự "mất tích" của hai bộ sách lớp 1 đang khiến dư luận quan tâm, đại diện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN), đơn vị xuất bản 2 bộ sách trên, thừa nhận từ lớp 2 trở lên, NXBGDVN chỉ còn 2 bộ sách là "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo".
Bộ SGK "Kết nối tri thức với cuộc sống" được hợp nhất từ bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và bộ "Cùng học để phát triển năng lực", bộ SGK "Chân trời sáng tạo" được hợp nhất từ bộ "Chân trời sáng tạo" và bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Theo NXBGDVN, mục tiêu hợp nhất nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn SGK, tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ SGK có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lý về giá thành…
Trước lo lắng của nhiều người về việc học sinh sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi lớp 1 học một bộ sách, lớp 2 lại học sách đã "hợp nhất", NXB này cũng cho rằng việc hợp nhất không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh, cũng như việc lựa chọn SGK, bởi lẽ mỗi cuốn SGK đều bám sát và cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc lớp 1, học sinh đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với học sinh lớp 1. Ngoài ra, 4 bộ SGK lớp 1 của NXBGDVN tuy có sự khác biệt nhưng đều thể hiện quan điểm xuyên suốt của NXBGDVN trong việc biên soạn SGK.
Phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa tại nhà sách. Ảnh: TẤN THẠNH
Báo cáo nội dung sai sót trước ngày 20-3
Bộ GD và ĐT ngày 11-3 cho biết vừa có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc lựa chọn SGK, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương và xây dựng kế hoạch năm học 2021 - 2022. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường hướng dẫn giáo viên nghiên cứu, đánh giá bản mẫu SGK để đề xuất với tổ chuyên môn về việc lựa chọn SGK. Mỗi giáo viên có bản nhận xét về các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách, kịp thời báo cáo với tổ trưởng chuyên môn và lãnh đạo nhà trường nếu phát hiện trong SGK có nội dung chưa phù hợp để lãnh đạo nhà trường báo cáo phòng GD-ĐT tổng hợp, báo cáo sở GD-ĐT trước ngày 20-3. Các sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố tổ chức lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6 theo quy định, đồng thời phối hợp với các NXB có SGK được lựa chọn tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên dạy lớp 2, lớp 6.
Đối với tài liệu giáo dục địa phương, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố tổ chức thẩm định tài liệu giáo dục địa phương và chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung thẩm định, bảo đảm tính khoa học, sư phạm của tài liệu. Hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương phải được thuyết minh rõ ràng quá trình biên soạn tài liệu, quá trình và kết quả thực nghiệm tài liệu, tổ chức dạy học thực nghiệm, quá trình và kết quả thẩm định tài liệu. Hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu lớp 2 và lớp 6 gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 15-5...
Hà Nội chọn SGK lớp 2, lớp 6 vào tháng 4
Hội nghị trực tuyến giới thiệu SGK Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Sở GD-ĐT TP Hà Nội phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức đã giới thiệu tổng quát về các bộ SGK, những quan điểm biên soạn, ý tưởng chủ đạo xây dựng bộ sách; tính ưu việt của từng bộ sách, từng cuốn sách. Các đơn vị cũng nhấn mạnh những điểm mới về nội dung, cấu trúc, phương pháp tiếp cận của từng bộ SGK.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, cho hay sở sẽ tham mưu UBND TP thành lập hội đồng lựa chọn SGK. Trên cơ sở này, các nhà trường tổ chức lựa chọn sách để giảng dạy cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Đầu tháng 4-2021, TP sẽ ban hành quyết định lựa chọn SGK theo từng môn học.
Y.Anh
Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)