Dùng nhiều thiết bị điện tử, bệnh học đường gia tăng

Thứ hai, 29 Tháng 3 2021 06:24 (GMT+7)
Tỉ lệ suy dinh dưỡng hiện nay của học sinh TP HCM đã xuống thấp và có xu hướng giảm, song béo phì và tật khúc xạ còn ở mức cao
 
Hiện nay, tỉ lệ béo phì của học sinh TP HCM còn cao và chưa có dấu hiệu giảm, trong khoảng 15%-32% theo từng cấp học. Tỉ lệ học sinh bị tật khúc xạ gồm loạn thị và cận thị ở mức 20%-30%, chủ yếu là cận thị. Đây là số liệu được ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trong buổi làm việc cùng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND TP HCM và các sở, ban, ngành.
 
Dùng nhiều thiết bị điện tử, ít vận động, ngồi sai tư thế
 
Ông Hưng cho hay mỗi năm hai sở đều phối hợp tổ chức khám sức khỏe cho hơn 90% học sinh trên địa bàn. Qua kết quả khám sức khỏe cho thấy chiều cao và thể lực của học sinh ngày càng được cải thiện và tốt hơn.
 
Chỉ ra lý do tỉ lệ học sinh mắc hai bệnh học đường là béo phì và tật khúc xạ cao, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng do học sinh TP sử dụng nhiều thiết bị điện tử, ít vận động và ngồi không đúng tư thế.
 
Ở các TP lớn cũng có tỉ lệ học sinh mắc hai bệnh học đường này tương tự TP HCM. Bên cạnh việc giáo viên phải nhắc nhở thường xuyên, điều chỉnh tư thế ngồi đúng cho học sinh, nhà trường cần có nhân viên y tế học đường.
 
Dùng nhiều thiết bị điện tử, bệnh học đường gia tăng - Ảnh 1.
Tỉ lệ học sinh TP HCM bị béo phì, tật khúc xạ ở mức báo động. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
 
"Việc tuyển nhân viên y tế trong trường cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sức khỏe học đường. Nhân viên y tế học đường cầu nối quan trọng giữa ngành y tế và ngành giáo dục trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Nếu không có nhân viên y tế trường học thì sử dụng trạm y tế phường; nhưng tôi cho rằng không phù hợp" - ông Hưng nói.
 
Theo bác sĩ Dương Công Minh, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Tiết chế Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trẻ em dư thừa cân nặng sẽ gặp các nguy cơ như: tăng mỡ máu, cao huyết áp, bệnh lý mạch vành, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, tăng nguy cơ sỏi mật, ung thư, bệnh gout... Trong các sinh hoạt, trẻ gặp nhiều bất lợi do dư thừa cân nặng.
Bên cạnh đó, trẻ còn dễ bị chọc ghẹo, "phân biệt đối xử" làm cho trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý dễ tự ti, trầm cảm, ảnh hưởng đến khả năng học tập và các thay đổi này để lại dấu ấn sâu đậm về tâm lý cho đến tuổi trưởng thành.
 
Tăng cường vận động
 
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, để giải quyết bệnh học đường, hằng năm, Sở Y tế phối hợp với UBND quận, huyện tập huấn cho nhân viên y tế học đường thực hành dinh dưỡng, cung cấp tài liệu để tăng cường dinh dưỡng một cách cân đối. Sắp tới sẽ thực hiện việc này mạnh mẽ hơn để khống chế và giảm tỉ lệ học sinh bị bệnh học đường.
 
Đối với trẻ béo phì, bác sĩ Dương Công Minh khuyến cáo cần có những biện pháp điều trị phù hợp, ở góc độ dinh dưỡng, chỉ cần ăn ít hơn nhu cầu năng lượng cho các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày. Nên ăn nhiều vào buổi sáng, giảm về chiều và hạn chế ăn tối.
 
Tăng cường những thức ăn giàu chất xơ như gạo lứt, khoai, bắp, rau xanh các loại và trái cây tươi ít ngọt (như mận, củ sắn, thanh long, bưởi, táo ta, đu đủ, cam, quýt...) để vừa giảm cung cấp năng lượng, vừa bổ sung lượng vitamin, muối khoáng vừa dễ tiêu hóa hấp thu và ngừa táo bón, tăng thải cholesterol và các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Giảm bớt những thức ăn giàu năng lượng mỗi bữa ăn như: cơm, mì, dầu, mỡ, bơ, bánh ngọt, kẹo, chè ngọt, chocolate. Hạn chế ăn đường, hạn chế uống nước ngọt, rượu, bia... Giảm tối đa chất béo, nên ăn đều đặn, tránh bỏ bữa.
 
Thời gian và cường độ vận động cần sắp xếp hợp lý, có thể vận động mỗi lần từ 5-10 phút, 3-4 lần/ngày. Nên vận động thường xuyên, đều đặn hầu hết các ngày trong tuần (≥ 5 ngày/tuần), mỗi lần vận động hơn 10 phút, sao cho tổng thời gian tập trong một ngày hơn 30 phút. Sau khi đã quen, nên cố gắng liên tục 30 phút/lần vận động. Việc tập luyện đều đặn và thường xuyên không làm tăng cảm giác thèm ăn. 
 
Trẻ mầm non hạn chế nằm xem tivi
 
Theo bác sĩ Minh, với trẻ lứa tuổi mầm non, không đặt vấn đề giảm cân ở trẻ mà chỉ giảm tốc độ tăng cân và bảo đảm cho sự tăng chiều cao theo lứa tuổi. Đặc biệt bảo đảm nhu cầu đạm và canxi cho trẻ (sữa, thịt, trứng, đậu...). Hạn chế giờ trẻ thụ động nằm, ngồi xem tivi dưới 1 giờ/ngày, không cho trẻ ngồi lâu một chỗ. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tập cho trẻ làm một số công việc ở lớp phụ cô và ở nhà phụ gia đình, cho trẻ đi bộ... Phối hợp nhiều biện pháp khác nhau để giúp trẻ có một lối sống năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát...
 
Bài và ảnh: Nguyễn Thuận - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Giáo Dục