"Đứt gánh giữa đường"
Từ 4 bộ SGK lớp 1 là "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Chân trời sáng tạo", "Cùng học để phát triển năng lực", "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục", NXB GDVN "hợp nhất" còn 2 bộ.
NXB GDVN cho hay việc "hợp nhất" là nhằm phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ của tác giả để đầu tư cho việc biên soạn SGK. Theo NXB GDVN, chuyện này cũng không làm ảnh hưởng đến việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh.
Hai bộ sách giáo khoa lớp 1 bị “đứt gánh giữa đường” ảnh hưởng đến việc dạy và học trong nhà trường .Ảnh: TẤN THẠNH
TS Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục, cho rằng dù diễn giải thế nào đi chăng nữa thì việc "hợp nhất" trên thực tế là xóa bỏ 2 bộ SGK. "Đó là một sự cố. Nói là sự cố vì nó nằm ngoài kế hoạch, hình dung ban đầu của ngành giáo dục và toàn xã hội. Mà đã là sự cố thì chắc chắn có ảnh hưởng. Ngay cả việc xã hội phải bỏ công bàn tán về nó cũng đã là ảnh hưởng rồi. Vấn đề là ảnh hưởng lớn đến mức nào, đặc biệt với những người trực tiếp ảnh hưởng, như các trường, các giáo viên và học sinh đã chọn học 2 bộ SGK này" - ông nhận xét.
Chuyên gia này phân tích thêm về nguyên tắc, các bộ SGK đều được viết trên cơ sở khung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nên liên thông về kiến thức. Tuy nhiên, các tiếp cận và tổ chức nội dung có khác nhau, vì thế mới phải tập huấn giáo viên riêng cho từng bộ sách. Nay dừng, không phát hành nữa thì coi như "đứt gánh giữa đường" với những đơn vị nào đã chọn 2 bộ SGK này. Giáo viên sẽ phải tập huấn lại với bộ SGK khác. Việc dạy và học của thầy và trò cũng phải điều chỉnh tương ứng.
"Tuy nhiên, phần ảnh hưởng lớn nhất, theo tôi, không phải là ảnh hưởng về công việc dạy và học, mà là ảnh hưởng về tinh thần, về niềm tin với ngành giáo dục và xã hội" - TS Dương bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, tỉnh này chưa chọn SGK năm học 2021-2022 nhưng ý kiến một số nơi không muốn chọn SGK của 2 bộ đã bị "hợp nhất" để dễ liên thông khi lên lớp 2, lớp 6. Năm học 2020-2021, khoảng 30.000 học sinh lớp 1 của địa phương này học SGK tự nhiên - xã hội của 2 bộ "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục". Nếu năm học tới, các trường không tiếp tục chọn SGK thuộc 2 bộ trên, hàng ngàn cuốn Tự nhiên - Xã hội lớp 1 sẽ không còn được sử dụng.
Giống như Sơn La, rất nhiều tỉnh, thành chọn SGK của 2 bộ bị "hợp nhất" trong năm học này cũng sẽ không sử dụng bộ sách đã "biến mất". Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn bộ sách trên toàn quốc không còn sử dụng hoặc chỉ để làm sách tham khảo, gây lãng phí lớn. Bở lẽ, SGK lớp 1 không hề rẻ so với mặt bằng chung, đặc biệt là với các địa phương còn nhiều khó khăn.
Chưa đúng về mặt khoa học
GS-TS Đỗ Thanh Bình - giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Chủ biên SGK Lịch sử lớp 6 của bộ "Cùng học để phát triển năng lực" - cho hay tác giả này mất gần một năm để biên soạn bộ SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 để chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7-2020, NXB thông báo bộ sách này sẽ "hợp nhất" với bộ khác.
Theo GS Bình, về mặt khoa học, mỗi bộ SGK có cách thể hiện, tiếp cận, cách viết và cấu trúc khác nhau nên không thể "sáp nhập" với nhau. Ví dụ, trong sách A có bài chia thành 2 tiết nhưng trong sách B chỉ học 1 tiết; mô hình và cấu trúc mỗi tiết học cũng khác nhau nên việc "hợp nhất" SGK là chưa đúng về khoa học.
Trong khi đó, tập thể tác giả SGK toán "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục", do PGS Trần Diên Hiển làm chủ biên, đã có văn bản gửi NXB GDVN đề nghị rút tên các tác giả cũng như 7 tiết học của nhóm này được "hợp nhất" vào SGK toán của bộ "Chân trời sáng tạo". Nhóm tác giả này cho rằng sự tham gia của nhóm với 7 tiết học là "hài hước".
PGS Phan Doãn Thoại, Chủ biên SGK toán bộ "Cùng học để phát triển năng lực", cho rằng "hợp nhất" bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" với bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" chỉ là cách nói, còn về bản chất thì không phải vậy. Hai nhóm tác giả của 2 bộ sách cùng ngồi lại với nhau nhưng không có tiếng nói chung do quan điểm biên soạn quá khác biệt.
Trước đó, ở thời điểm cuối tháng 6-2020, khi các bộ SGK lớp 1 chưa được đưa vào dạy học, NXB GDVN đã họp để rà soát công tác biên soạn SGK. Theo thông báo kết luận của Chủ tịch Hội đồng thành viên (do Tổng Giám đốc NXB GDVN Hoàng Lê Bách ký) thì NXB GDVN tái cơ cấu các bộ SGK bởi nguồn lực trí tuệ, đội ngũ tác giả đang bị phân tán ở các bộ sách; tỉ lệ chọn chưa tương xứng với tiềm lực và kinh nghiệm; công tác triển khai thị trường, tiếp thị cũng phát sinh những vấn đề phải phân tích, điều chỉnh... Ðầu tháng 8-2020, Chủ tịch Hội đồng Thành viên NXB GDVN Nguyễn Ðức Thái ký văn bản phổ biến nội dung thông tin về việc "hợp nhất" các bộ SGK.
"Tùy tiện"
TS Giáp Văn Dương cho rằng sự "hợp nhất" các bộ SGK không có trong kế hoạch và hình dung trước đó của NXB, ngành giáo dục và xã hội, nên là một sự tùy tiện. Nó cũng tước mất cơ hội tham gia làm các bộ SGK của các NXB khác. Bởi lẽ, một khi các đơn vị đã chọn bộ SGK nào rồi thì nhiều khả năng năm sau sẽ chọn tiếp bộ SGK đó, do sự tiếp nối về cách tiếp cận và không phải đào tạo lại giáo viên.
Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)