Dấu ấn hợp tác quốc tế của Trường Ðại học Cần Thơ

Thứ ba, 27 Tháng 4 2021 10:22 (GMT+7)
Với mục tiêu trở thành đơn vị thuộc nhóm các trường đại học hàng đầu khu vực châu Á và thế giới ở một số lĩnh vực vào năm 2025, nhiều năm qua, Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế (HTQT). Bên cạnh phát huy các nguồn lực sẵn có, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học...; thông qua các chương trình và dự án quốc tế, Trường ÐHCT đã xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao, đầu tư nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển.
Giờ học thực hành của sinh viên Khoa Nông nghiệp, Trường ÐHCT.
 
Nhóm ngành Nông lâm nghiệp vào bảng xếp hạng thế giới
 
Trong hai năm liên tục (2020, 2021), nhóm ngành Nông lâm nghiệp của Trường ÐHCT lọt vào Bảng xếp hạng thường niên các trường ÐH trên thế giới (QS World University Rankings) của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (Anh quốc). GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ÐHCT, cho biết: “Thông qua nguồn nhân lực chất lượng cao và các xuất bản phẩm trên thế giới, nhóm ngành Nông lâm nghiệp của trường đạt thành tích này”. Chưa có trường ÐH nào ở Việt Nam được xếp hạng ở nhóm ngành này, nên có thể coi đây là lợi thế lớn cho Trường ÐHCT trong việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành học, thu hút sinh viên, góp phần vào sự phát triển lĩnh vực này ở ÐBSCL và cả nước.
 
Thành quả trên đến từ nỗ lực lâu dài của Khoa Nông nghiệp và tập thể nhà trường. Cựu sinh viên và nay là giảng viên Khoa Nông nghiệp của trường, PGS.TS Trần Vũ Phến cho biết: “Ðặc thù của khoa là sinh viên phải ứng dụng được kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, sản xuất. Cho nên tôi và đồng nghiệp thường giới thiệu kiến thức cơ bản, dẫn chứng thực tế để sinh viên vận dụng tốt. Về thực hành, bên cạnh nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, sinh viên cũng phải đi thực tế sản xuất, tiếp xúc nông dân, trao đổi, tham khảo thêm tài liệu để thực hiện các báo cáo chuyên đề, luận văn tốt nghiệp”.
 
Gắn bó trong chặng đường phát triển 55 năm qua của trường, PGS.TS Trần Vũ Phến là người chứng kiến những năm đầu thành lập trường, lúc cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành của Khoa Nông nghiệp thô sơ, thiếu thốn. Ðến nay Khoa Nông nghiệp đã có cơ ngơi khang trang, hiện đại, đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu. Huỳnh Thị Thu Mơ, sinh viên ngành Bảo vệ thực vật K43, cho biết: “Tôi rất tự hào khi được học tại Trường ÐHCT.
 
Sự tận tâm của thầy cô trong quá trình giảng dạy đã cho chúng tôi kiến thức vững chắc. Trong thực hành, chúng tôi trực tiếp quan sát từ thực tiễn sản xuất, nên nắm vững kiến thức và ứng dụng được”. Ðối với Khoa Nông nghiệp Trường ÐHCT, chương trình đào tạo mỗi khóa có thời gian từ 4 đến 4,5 năm. Sau mỗi khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường, Khoa Nông nghiệp đều ghi nhận ý kiến phản hồi của sinh viên, nhà tuyển dụng… để điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp.
 
Không những cập nhật chương trình đào tạo sát thực tế, Khoa Nông nghiệp cũng đẩy mạnh các chương trình HTQT, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên giao lưu, học tập, tiếp cận với những chương trình tiên tiến trên thế giới. Thông qua các chương trình HTQT của nhà trường, hoặc của riêng Khoa Nông nghiệp với các đơn vị đối tác, giúp khoa nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy, hiện đại hóa cơ sở vật chất. Rất nhiều cán bộ, giảng viên của Khoa Nông nghiệp đã có học vị tiến sĩ từ nhiều nước trên thế giới.
 
Theo PGS.TS Lê Văn Vàng, Trưởng khoa Nông nghiệp, giáo trình chỉ là một phần trong giảng dạy và mỗi giảng viên có cách dạy, truyền đạt kiến thức khác nhau. Phần lớn từ kinh nghiệm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, giảng viên vận dụng linh hoạt vào bài giảng, tổ chức lớp học làm bài tập và báo cáo chuyên đề, giúp sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng. “So với 10 năm trước, sinh viên của khoa ngày nay không còn thiếu tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài”, thầy Lê Văn Vàng nói.
 
Phấn đấu vào tốp của châu Á
 
GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết: “Ở vị trí trung tâm ÐBSCL, trường mong muốn chia sẻ, kết nối với các tổ chức quốc tế để giải quyết vấn đề của ÐBSCL. Trong 55 năm qua, trường đã có rất nhiều dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế. Ðầu tiên là chương trình MHO của Chính phủ Hà Lan, đến chương trình VLIR của Chính phủ Bỉ, chương trình “Nâng cấp Khoa Nông nghiệp” từ viện trợ của Chính phủ Nhật Bản... đã đóng góp hơn 60 triệu USD cho sự phát triển nguồn nhân lực, trang thiết bị, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho Trường ÐHCT”. Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, các chương trình HTQT góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra của ÐBSCL. Ðó là những vấn đề về nhân lực, khoa học, kỹ thuật phục vụ phát triển cộng đồng ÐBSCL, thông qua đề tài nghiên cứu trong các chương trình, dự án HTQT.
 
Khoa Nông nghiệp, đơn vị được thành lập đầu tiên của Trường ÐHCT, là một trong những điển hình trong các chương trình HTQT. GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết thêm: “Trường có mối quan hệ với các tổ chức quốc tế thực hiện các đề tài nghiên cứu, đào tạo nhân lực lĩnh vực Nông nghiệp và thực hiện chương trình theo Nghị quyết 120 của Chính phủ Về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trường cố gắng phấn đấu liên tục để tạo ra những thành quả mới, đóng góp tích cực cho xuất khẩu lúa, cây ăn trái, thủy sản của ÐBSCL như trong Nghị quyết 120 ưu tiên phát triển sắp tới”.
 
Thành quả nổi bật mà HTQT mang lại cho Trường ÐHCT là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong 1.180 cán bộ giảng dạy của trường hiện nay, có khoảng 600 tiến sĩ, còn lại đều là thạc sĩ. Hiện nay, trường có khoảng 150 người đang là nghiên cứu sinh tại nước ngoài. Trường có 3 nguồn chính để tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên học tập nâng cao trình độ, trong đó có nguồn từ mối quan hệ hợp tác giữa trường với hơn 150 tổ chức, trường ÐH trên thế giới. Nhờ vậy, bình quân hằng năm, trường có khoảng 50 người làm nghiên cứu sinh và 20 người học thạc sĩ ở các trường quốc tế.
 
Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan HTQT Nhật bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết Trường ÐHCT đang thực hiện dự án nâng cấp sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, tổng kinh phí khoảng 105 triệu USD, đã gần đến giai đoạn kết thúc. “Tôi mừng vì cơ sở vật chất, trang thiết bị đều tiến hành tốt đẹp; nhất là đào tạo nguồn nhân lực cho trường.
 
Những sinh viên tốt nghiệp từ Trường ÐHCT là nguồn nhân lực chất lượng cao, có sức lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ÐBSCL”, ông Shimizu Akira cho biết. Ông cũng nhấn mạnh TP Cần Thơ có mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản từ rất lâu, mà cụ thể là Trường ÐHCT đã hợp tác với các trường ÐH của Nhật hơn 20 năm. Bên cạnh JICA, Trường ÐHCT còn có mạng lưới kết nối chặt chẽ với các trường ÐH, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản.
 
Thông qua mối quan hệ HTQT, Trường ÐHCT phấn đấu vào nhóm các trường ÐH hàng đầu khu vực châu Á và thế giới ở một số lĩnh vực vào năm 2025. GS.TS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh: “Trường đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ là phấn đấu trở thành trường nằm trong tốp 1.000 trường ÐH trên thế giới. Trường tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển; xây dựng những chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế; đẩy mạnh các nguồn lực khác nhau để phát triển nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ vùng ÐBSCL về phát triển ngành Nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp...”.
 
Bài, ảnh: B.Kiên - (baocantho.com.vn)
 

Bài viết mới nhất của Giáo Dục