Thí sinh kỳ thi vào lớp 10 của Thành phố Hà Nội năm 2021 tại điểm thi Trường THCS Nam Trung Yên. Ảnh: DUY LINH
Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm học 2021-2022, Lịch sử được lựa chọn là môn thứ tư cùng với ba môn thi cố định khác là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Do yêu cầu về bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tổ chức kỳ thi, cũng như các môn khác, thời gian thi môn Lịch sử được giảm 60 phút xuống còn 45 phút và giảm số lượng câu hỏi tương ứng từ 40 câu xuống còn 30 câu.
Theo đánh giá của một số giáo viên, đề thi năm nay vừa giảm số lượng câu hỏi, vừa giảm nhẹ về yêu cầu đánh giá. Nội dung câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử 9 với khoảng hơn 90% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu, có 2 câu hỏi vận dụng, không có câu hỏi dạng so sánh hoặc khái quát tổng hợp hay liên chuyên đề.
So với các năm trước, cấu trúc đề thi có sự thay đổi gồm 2 phần với việc phân bổ điểm khác nhau. Phần 1 (0,35 điểm/câu): Gồm 20 câu hỏi nhận biết và thông hiểu, phủ đều các chuyên đề Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới. Trong phần này, nội dung hầu hết xoay quanh việc tái hiện kiến thức lịch sử, đặc biệt xuất hiện cách đặt câu hỏi mới nêu đặc điểm của đối tượng yêu cầu học sinh nhận dạng giai cấp. Phần này, những thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản hoàn toàn có thể làm nhanh và đạt được 7 điểm.
Phần 2: (0,3 điểm/câu): Gồm 10 câu bao gồm 2 câu hỏi vận dụng. Trong phần này có 3 câu lịch sử thế giới, 7 câu lịch sử Việt Nam, mức độ câu hỏi khó hơn phần 1 với mục đích phân hóa thí sinh. Điểm đặc biệt trong phần này là học sinh cần khai thác kênh hình (câu 24) hoặc ý nghĩa của các sự kiện lịch sử, các mốc thời gian…Mặc dù phần 2 với số lượng câu hỏi ít hơn và điểm trung bình câu thấp hơn phần 1 nên nếu các em không trả lời chính xác thì khả năng mất điểm cũng ít hơn. Thí sinh cần tinh ý trong việc phân bổ thời gian làm bài để tối ưu điểm số từ sự phân chia này.
Giáo viên Trần Mai, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng đề thi vừa sức, bám sát với chương trình học sinh đã học, không có câu hỏi mang tính đánh đố. Với đề thi này, học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm bài tốt, phổ điểm sẽ ở mức 8 điểm.
Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, giáo viên môn Lịch sử, Hệ thống Giáo dục Học mãi cũng đồng tình là đề thi hoàn toàn vừa sức với học sinh. Kiến thức của đề thi trải dài ở các chuyên đề lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, các câu hỏi vừa sức với học sinh mang tính thông hiểu và nhận biết, bên cạnh đó có một số câu hỏi mang tính nâng cao nhằm phân loại học sinh.
Với những câu hỏi này yêu cầu học sinh cần có quá trình học bài bản và đọc kỹ sách giáo khoa trong quá trình ôn tập thì hoàn toàn có thể hoàn thành tốt bài thi.
“Nhìn chung với đề thi này học sinh đạt điểm cao sẽ nhiều” – Tiến sĩ Lê Thu Hương cho biết. Cô cũng đưa ra tư vấn đối với học sinh chuẩn bị lên lớp 9, các em nên có chiến lược là học đều tất cả các môn học ngay từ đầu năm học và nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa. Với tâm thế học như vậy thì các em hoàn toàn có thể chủ động và tự tin đối với các phương án tuyển sinh mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ đưa ra trong năm học tiếp theo.
HOA LÊ - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)