Phan Văn Vi Linh học được nhiều kiến thức, kỹ năng trong quá trình thực tập tại Bệnh viện Ða khoa quận Thốt Nốt. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Bài học bổ ích
Qua 2 tuần thực tập tại các cơ sở y tế, Phan Văn Vi Linh, sinh viên ngành Kỹ thuật viên xét nghiệm (Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ), chia sẻ đó là những trải nghiệm bổ ích, môi trường thực tế để em vận dụng kiến thức chuyên môn được học. Theo Linh, 2 tuần thực tế tại Bệnh viện Ða khoa quận Thốt Nốt và Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, em trải nghiệm không khí làm việc như một nhân viên y tế thực thụ. Lịch thực tập của Linh từ thứ hai đến thứ bảy, mỗi ngày 2 buổi, sáng từ 7 giờ sáng đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ.
Công việc của thực tập sinh khá nhiều, từ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, hỗ trợ cán bộ y tế xét nghiệm cận lâm sàng cho bệnh nhân, đến việc thảo luận nhóm, viết báo cáo mỗi ngày về kết quả thực tập. Linh chia sẻ: “Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, quá trình thực tập tuy gặp khó khăn vì phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, nhưng qua đó, tôi hiểu được những áp lực trong công việc, sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm vì người bệnh của đội ngũ y, bác sĩ. Ðiều đó càng thôi thúc tôi thêm yêu nghề và phấn đấu học tập tốt”.
Bên cạnh trải nghiệm công việc như một nhân viên y tế chuyên nghiệp, quá trình thực tập, Linh có cơ hội rèn nhiều kỹ năng mềm. Linh kể, mỗi nhóm thực tập từ 5 đến 6 sinh viên, vậy nên em học thêm về cách phân chia, thỏa thuận công việc; bàn bạc, trao đổi chia sẻ kiến thức chuyên môn.
Hay như việc trải nghiệm môi trường làm việc ở hầu hết các khoa trong bệnh viện giúp em nâng cao kỹ năng thực hành, mở rộng giao tiếp nhiều y, bác sĩ để học hỏi thêm kiến thức, biết cách sử dụng các thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại. Ngoài học phần thực tế, Linh còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, như: tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, thăm và tặng quà gia đình chính sách, học sinh nghèo ở ngoại thành. Qua đó, giúp em phát huy kiến thức được học, tham gia những hoạt động hướng tới lợi ích cộng đồng.
Các kỳ thực tập là bài học thực hành để mỗi sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp bổ ích. Lê Hoàng Anh, sinh viên ngành Ðiện công nghiệp (Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ), chia sẻ: “Ðối với trường nghề, thời gian thực tập rất bổ ích bởi đó là cơ hội để em cập nhập kiến thức và kỹ thuật mới. Ðơn cử như qua 2 tháng thực tập tại một doanh nghiệp, em biết cách lắp đặt hệ thống điện công nghiệp, dân dụng đúng quy cách. Chưa kể, em còn biết và học cách sử dụng một số phương tiện, máy móc hiện đại, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp”.
Sinh viên cần chủ động
Theo anh Nguyễn Ngọc Ðăng Khoa, Phó Bí thư Ðoàn trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, trường thường xuyên kết nối với doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có nơi thực tập. Việc thực tập ở doanh nghiệp mang đến nhiều cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp thực tế cho sinh viên, từ cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, đến rèn luyện tính kỷ luật, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Nhiều sinh viên sau khi kết thúc khóa thực tập, còn được doanh nghiệp đặt hàng tuyển dụng, giải quyết việc làm ngay từ khi vừa tốt nghiệp.
Ðoàn - Hội Sinh viên trường còn tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp - việc làm; thường xuyên giáo dục kỹ năng mềm, tổ chức giao lưu giữa sinh viên với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng hành của nhà trường, điều quan trọng là tinh thần chủ động, sự năng động và ý thức tự học của mỗi sinh viên. Lê Hoàng Anh, sinh viên ngành Ðiện công nghiệp, cho rằng ngoài 2 tháng thực tế tại doanh nghiệp, em còn làm thêm nhiều việc gắn với chuyên môn. Sau thời gian học, Hoàng Anh nhận lắp đặt hệ thống điện, nước sinh hoạt, vừa có thêm thu nhập, vừa rèn kỹ năng thực hành. Nhờ công việc làm thêm này, giúp em nắm bắt được thị hiếu khách hàng, từ đó tự học nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu thế lựa chọn việc làm thêm hoặc các hoạt động ngoại khóa phát huy kiến thức chuyên môn, kỹ năng và mục tiêu nghề nghiệp của bản thân. Trương Thị Cẩm Lình, sinh viên ngành Quản lý công nghiệp (Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) cho rằng, hiện trường cũng có nhiều hoạt động tham quan nhà máy, doanh nghiệp; giao lưu với các doanh nhân thành đạt để bổ sung kiến thức thực tế cho sinh viên. Ước mơ khởi nghiệp bằng mô hình “Coffee shop”, bản thân cô cũng làm quản lý cho một quán cà phê để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, Cẩm Lình đề xuất các đoàn thể cần tổ chức đa dạng các hoạt động định hướng nghề nghiệp, tăng tính trải nghiệm cho sinh viên. Có thể là giáo dục kỹ năng khởi nghiệp, tham quan dự án startup thành công, quản lý tài chính… để trang bị kiến thức, kỹ năng giúp sinh viên vững tin lập nghiệp, khởi nghiệp thành công.
TÚ ANH - (baocantho.com.vn)