Số học sinh (HS) là F0, F1 trong lớp tăng cao, từ đầu tuần nay, chị Thanh, phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP Thủ Đức), cho biết cả lớp đã chuyển sang học online theo thời khóa biểu riêng, chỉ học những môn chính như toán, tiếng Việt, tiếng Anh nên dù học cả ngày nhưng có ngày chỉ khoảng vài tiết.
Thời khóa biểu thay đổi từng ngày
Chị Thanh cho biết thêm trong tuần đầu tiên, khi lớp con chị xuất hiện vài trường hợp F0 và ít F1, các thầy cô có trao đổi với phụ huynh để dạy online cho các bé vào buổi tối nhưng gia đình thống nhất cho con nghỉ luôn vì khi là F0, các con đã rất mệt. "Nếu con có phải nghỉ học thêm 1 tuần cũng không nghiêm trọng" - chị Thanh cho biết.
Vừa nỗ lực vừa xoay xở duy trì dạy học trực tiếp là cách mà nhiều cơ sở giáo dục đang thực hiện trong bối cảnh F0, F1 tăng cao. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Bình Thạnh cho biết thời gian này, thời khóa biểu có thể thay đổi từng ngày tùy theo tình hình. "Chẳng hạn, trong tuần qua, một lớp có 46 em, có 5 em F0. Sau khi thực hiện test sàng lọc, xác định các F1 tiếp xúc gần thì số F1 rất ít nhưng một số phụ huynh lại cẩn thận nên cho con nghỉ học luôn ở nhà. Sĩ số lớp còn một nửa học trực tiếp. Với những trẻ phải ở nhà, nhà trường vẫn thực hiện gửi bài tập để phụ huynh hướng dẫn các con. Trong trường hợp khi số trẻ ở nhà khoảng 1/2 sĩ số lớp, nhà trường sẽ hỏi ý kiến phụ huynh, để tiếp tục duy trì học trực tiếp hoặc chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn" - vị này cho biết.
Nhiều trường học phải điều chỉnh lịch học, lịch thi do nhiều ca F0, F1 trong trường (Ảnh: TẤN THẠNH)
Chuẩn bị nhiều kịch bản dạy học, cô Hoàng Thụy Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), cho biết hiện nay nhà trường sẽ linh hoạt chuyển đổi hình thức dạy học khi xuất hiện trường hợp F0, F1. "Căn cứ vào số ca F0, F1 để sẵn sàng chuyển đổi. Chẳng hạn, nếu lớp có F0 và nhiều F1, các thầy cô sẽ gửi bài tập về nhà, các video hướng dẫn như giai đoạn học trực tuyến trước đây. Còn nếu lớp có ít F1, các thầy cô sẽ phát trực tiếp bài giảng trên lớp cho các em, trong trường hợp đường truyền trục trặc thì sẽ gửi bài tập về nhà cho HS" - cô Thủy nói.
Xoay xở kiểm tra trực tiếp học kỳ I
Bà Phạm Thúy Hà - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 4, phụ trách giáo dục tiểu học - cho biết thời điểm này là tuần kiểm tra học kỳ I của HS lớp 1, 2. Tuy nhiên, nhà trường đều phải chuẩn bị nhiều kịch bản kiểm tra trong trường hợp số ca F0, F1 tăng cao. "Nguyên tắc của kiểm tra học kỳ I ở lớp 1, 2 là các em sẽ kiểm tra theo hình thức trực tiếp, nên trong trường hợp HS là F0, F1 chưa thể làm bài cùng thời điểm như các bạn khác thì khi nào trở lại trường học tập trực tiếp sẽ tổ chức kiểm tra bổ sung" - bà Hà cho biết.
Để giảm áp lực cho giáo viên trong trường hợp vừa phải dạy trực tiếp vừa trực tuyến, bà Hà cho rằng việc dạy học trực tuyến hiện nay không phải như học trực tuyến trong học kỳ I trước đây. Cụ thể, đối với những em thuộc diện F0, F1 phải theo dõi sức khỏe ở nhà và học trực tuyến, các thầy cô sẽ gom kiến thức trọng tâm trong tuần để tổng hợp lại dạy trong 2- 3 buổi tối theo đơn vị mỗi lớp chứ không phải ngày nào các em cũng học trực tuyến.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kết Đoàn (quận 1), cho hay khi xây dựng kế hoạch kiểm tra học kỳ I cho HS lớp 1, 2, các giáo viên đều xây dựng các bộ đề dự phòng. Trong tình hình hiện nay, với những em chưa thể kiểm tra theo lịch, nhà trường sẽ sử dụng các đề dự phòng khi các em quay trở lại trường học trực tiếp, đề kiểm tra cũng sẽ nhẹ nhàng, chủ yếu là đánh giá lại quá trình học trực tuyến trước đây của các em để có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp" - ông Long nói.
TP HCM trang bị hơn 51.000 bộ test nhanh cho trường học
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, ngày 3-3 vừa ký văn bản về phân bổ bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho các cơ sở giáo dục công lập đợt 1 nhằm thực hiện xét nghiệm tầm soát ca nghi mắc Covid-19 khi dạy học trực tiếp. Theo lần phân bổ này, mỗi nhà trường được nhận một hộp (20 bộ) test nhanh và sẽ được cấp bổ sung khi sử dụng hết, tổng số test nhanh được phân bổ về các phòng GD-ĐT và TP Thủ Đức là hơn 51.000 bộ. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm giám sát sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, minh bạch và khách quan. Trước đó, qua các lần khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP và thực tế các trường, hiện nay các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn khi phải tự trang bị kit test nhanh, kinh phí để phục vụ phòng chống dịch tốn kém trong khi nguồn thu của trường không có.