Nhiều quy định sát với thực tế, thuận lợi hơn cho giáo viên đã được Bộ GD-ĐT quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông
 
Bỏ nhiều chứng chỉ gây khó cho giáo viên - Ảnh 1.
Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ chỉ có một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên
 
Theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN), giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng và tương ứng với cấp học đang giảng dạy.
 
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết, ngày 18-10-2021, Chính phủ ban hành nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10-12-2021) và điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Cụ thể, mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần. Như vậy, từ ngày 10-12-2021, quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng theo quy định hiện hành là không còn phù hợp.
Theo dự thảo thông tư mới sẽ chỉ quy định một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên.
 
Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của cấp học đang giảng dạy trước ngày chương trình bồi dưỡng mới (triển khai nghị định số 89/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì không phải bổ sung chứng chỉ theo quy định mới.
 
Giáo viên mới tuyển dụng và giáo viên đã được bổ nhiệm nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với cấp học đang giảng dạy sẽ được cử tham gia khóa bồi dưỡng và lấy chứng chỉ, để bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Khi chuyển từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới, không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
 
60 Sở GD-ĐT bồi dưỡng giáo viên trên hệ thống học tập trực tuyến
60/63 Sở GD-ĐT đã triển khai bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên hệ thống học tập trực tuyến (LMS)- thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm "Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục" do Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) thuộc bộ GD-ĐT tổ chức.
Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đã triển khai mô hình bồi dưỡng mới với giáo viên, chuyển từ hoạt động bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Đến thời điểm này, 30.127 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hoàn thành 6 mô đun bồi dưỡng, đạt 105.3% so với thỏa thuận thực hiện chương trình.
Đội ngũ cốt cán đã hỗ trợ cho hơn 500.000 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành 5 mô đun bồi dưỡng, trong đó có trên 96% số lượng người học trên LMS hài lòng với chương trình và phương thức bồi dưỡng có sử dụng công nghệ thông tin.