Ngày 7 và 8-7, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết để bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra an toàn, nghiêm túc, chất lượng, bộ đã điều động đội ngũ cán bộ, giảng viên từ khoảng 200 cơ sở giáo dục ĐH trên cả nước tham gia làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các địa phương.
63 đoàn kiểm tra tại các tỉnh
Như vậy, cùng với lực lượng thanh tra của các sở GD-ĐT, tại hội đồng thi của tất cả địa phương còn có sự tham gia của thanh tra Bộ GD-ĐT. Ở khâu coi thi, 63 đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ tại các sở GD-ĐT. Bộ GD-ĐT có 5 đoàn do các thứ trưởng làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các tỉnh. Ngoài ra, thanh tra bộ còn tham mưu tổ chức 10 đoàn kiểm tra độc lập tại 20 địa phương...
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 80 cán bộ, giảng viên tham gia đoàn thanh - kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Bắc Ninh và Bắc Giang. Theo PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, trường ưu tiên lựa chọn người có chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi, đặc biệt phải là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt.
Học sinh tìm hiểu thông tin về thi và tuyển sinh năm 2022. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 ở một số địa phương, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tới công tác chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất. Đối với công tác nhân sự, khâu lựa chọn cán bộ làm thi, tập huấn phải được làm kỹ, trong quá trình tập huấn đưa ra mọi tình huống có thể xảy ra để lường trước. Đối với cơ sở vật chất, cần chú ý tới hệ thống phòng thi cho F0, phòng dành cho trường hợp nghi nhiễm, hệ thống máy nổ, quạt trần... "Công tác chuẩn bị càng chi tiết, cụ thể, càng giảm bớt rủi ro. Bốn yếu tố làm nên thành công cho kỳ thi, đó là: Nắm chắc quy chế - chuẩn bị kỹ điều kiện - kiểm soát tốt tình hình - xử lý tốt các tình huống" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Bảo mật cao, tránh mọi sai sót
Trong khi đó, kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Kạn và Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đặc biệt đề cập việc bảo đảm an toàn, bảo mật đề thi tại các điểm in, sao đề thi và trong quá trình vận chuyển đề thi. Các Ban Chỉ đạo thi các địa phương phải thực hiện thật nghiêm túc quy định. "Cán bộ tham gia kỳ thi không được chủ quan, lơ là ở bất kỳ khâu nào.
Cần phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong từng khâu, kiểm tra kỹ lưỡng từng "mắt xích" để kịp thời phát hiện và xử lý những tình huống phát sinh. Các cán bộ tham gia vào kỳ thi, cán bộ coi thi phải nắm chắc quy chế thi, cùng với đó, khi coi thi phải giải thích và hướng dẫn thí sinh hiểu rõ về quy chế, tránh tối đa việc xảy ra sai sót không đáng có làm ảnh hưởng đến các thí sinh"- Thứ trưởng Ngô Thị Minh lưu ý.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường giám sát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là những nhà hàng phục vụ ăn uống gần các điểm tổ chức thi.