Tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, TP Hà Nội cuối tháng 9-2022 để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000 người, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.
Có phải những nhà giáo ra khỏi ngành vì không yêu nghề? Không! Họ yêu nghề lắm, nhưng trong thực tế, thầy cô khó thể sống bằng đồng lương với cơ chế tiền lương như hiện nay.
Một tờ báo uy tín nêu trường hợp một giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Hà Nội "có thâm niên 24 năm dạy hợp đồng mà mỗi tháng chỉ nhận được vẻn vẹn khoảng 2,8 triệu đồng, cô đành ở nhà phụ chồng may mới đủ tiền chi tiêu".
Cô giáo này bày tỏ: "Thu nhập mỗi tháng không đến 3 triệu đồng mà đôi khi có cả sự không tôn trọng cũng như "rủi ro" trong nghề thì đúng là nhiều đồng nghiệp bỏ nghề cũng đúng thôi".
Trong bài viết đăng trên Đặc san Xuân của Tuần san Thế Giới Mới, PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Trưởng Khoa Ngữ văn - Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết thầy cô có học vị tiến sĩ ở khoa này có mức lương chỉ khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.
Cách đây trên dưới 30 năm, trong một hội nghị, GS Lê Trí Viễn mong nhà nước trả lương cho giáo sư bằng lương... người phụ hồ. Nghe mà xót xa.
Năm 2006, người đứng đầu ngành giáo dục tuyên bố đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng lương nhưng đã qua mấy đời bộ trưởng, cuộc sống thầy cô vẫn khó khăn. Tình trạng này kéo dài thêm nữa thì rất khó để giáo dục phát triển tương xứng với vị trí ngành, nghề và đất nước sẽ gặp phải khó khăn khi thế giới đã bước sang năm thứ 12 của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
* * *
Bên cạnh đồng lương èo uột, nhiều khi thầy cô còn bị không ít phụ huynh mạnh miệng, mạnh tay xúc phạm mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
Thế nhưng, Nghị định 82 ban hành chưa được bao lâu thì báo chí đã đưa tin một phụ huynh mang dao đến trường đe dọa giáo viên, yêu cầu thầy hiệu trưởng phải quỳ xin lỗi hai con của ông ta trước sự chứng kiến của nhiều phụ huynh và các thầy cô. Sự việc chỉ dừng lại khi có sự can thiệp của lực lượng công an và chính quyền địa phương.
Một bài báo viết: "Chửi bới thầy cô, bắt giáo viên quỳ gối xin lỗi, đòi lắp camera lớp học ở khắp nơi, hơi một tí là quay clip rồi dọa tung lên mạng... là những biểu hiện lạm quyền của phụ huynh học sinh thời nay. Nhưng như thế chưa thấm vào đâu so với vị phụ huynh ở Đà Nẵng vừa rồi xông vào tát lật mặt hiệu trưởng ngay tại trường học rồi hô một câu: "Giải tán"!".
Những chuyện như thế xảy ra khá nhiều nên không thể không lo lắng cho tương lai đất nước. Người thầy là yếu tố quyết định của việc dạy học thành công. Nếu chúng ta không tôn trọng thầy cô đồng nghĩa với không tôn trọng việc dạy học. Không tôn trọng việc dạy học thì nền giáo dục của nước nhà sẽ đi về đâu?
Nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffer nhấn mạnh tại hội nghị Liên Hiệp Quốc khóa 15 (1990): "Một dân tộc không được giáo dục, dân tộc đó sẽ bị loài người đào thải; một cá nhân không được giáo dục, cá nhân đó sẽ bị xã hội loại bỏ", ‘‘Tương lai của con người phụ thuộc hoàn toàn vào giáo dục’’.
Năm 1992, UNESCO cũng đã chỉ rõ: "Không có một sự tiến bộ và thành đạt nào có thể tách khỏi sự tiến bộ và thành đạt trong lĩnh vực giáo dục của mỗi quốc gia. Những nước nào coi nhẹ giáo dục hoặc không đủ tri thức và khả năng cần thiết để làm giáo dục một cách hiệu quả thì số phận của quốc gia đó xem như đã an bài, điều đó còn tồi tệ hơn cả sự phá sản".
* * *
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa".
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, chúng ta đã có Nghị quyết về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo (14-1-1993), song dường như chưa đi vào cuộc sống bao nhiêu.
Nói đến chuyện chiêu hiền đãi sĩ, trọng nhân tài thì trước hết phải chăm lo - đầu tư chu đáo cả vật chất lẫn tinh thần để người thầy yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. "Không thầy đố mày làm nên" - ông cha ta từng tổng kết như thế và mãi mãi sẽ là như thế!
Tương lai của con người phụ thuộc hoàn toàn vào giáo dục. (Alvin Toffer)