Tăng cường kiểm tra, giám sát thi tốt nghiệp

Chủ nhật, 19 Tháng 2 2023 20:19 (GMT+7)
Cùng với các đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tăng cường công tác thanh - kiểm tra, giám sát kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại địa phương
 
Nhiều quy định mới dự kiến được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Kỷ luật phòng thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) siết chặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
 
Thi xong, vẫn phải ở phòng chờ
Theo dự thảo sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến, năm nay thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi.
 
Theo quy định hiện hành, thí sinh được rời phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài thi tự luận. Các chuyên gia giáo dục đánh giá quy định này rất dễ xảy ra thí sinh đưa thông tin về đề thi ra ngoài rồi đăng lên mạng xã hội, gây hoang mang hay hiểu lầm về tính bảo mật và quản lý đề thi.
 
Tăng cường kiểm tra, giám sát thi tốt nghiệp - Ảnh 1.
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
 
Cũng theo dự thảo, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (quy định cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD-ĐT)".
 
Điều này đồng nghĩa với một quy định đã áp dụng trong nhiều kỳ thi vừa qua là cho phép thí sinh mang "các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem, không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị khác hỗ trợ" dự kiến sẽ được bãi bỏ trong kỳ thi năm 2023.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho hay ông ủng hộ quy định này. Trên thực tế, không ít thí sinh sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử nên ông ủng hộ làm "thật chặt, thật nghiêm" trong kỳ thi.
 
Giám sát chặt tại địa phương
PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, cho hay bộ sẽ điều chỉnh một số vấn đề kỹ thuật để tăng cường kỷ cương, nền nếp phòng thi cũng như bảo đảm an toàn, an ninh trong suốt kỳ thi.
 
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường chất lượng đề thi đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ các khâu tổ chức thi. Cùng với các đoàn kiểm tra của bộ, đề nghị các địa phương tăng cường thanh - kiểm tra, giám sát kỳ thi tại địa phương để bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng.
 
Một nội dung nữa là Bộ GD-ĐT tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi.
 
Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các bên liên quan tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao. PGS-TS Huỳnh Văn Chương nói thêm sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự đồng thuận, quyết tâm tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, hiệu quả.
 
Trong đó, yêu cầu các hội đồng thi phổ biến đầy đủ, quán triệt kỹ quy chế thi cho thí sinh, lưu ý thí sinh tuyệt đối không được sử dụng những thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Bộ đề nghị các địa phương chủ động thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi theo đúng tinh thần chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.
 
Cũng theo PGS-TS Huỳnh Văn Chương, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bám sát định hướng giữ ổn định như kỳ thi năm 2022. Bộ GD-ĐT đang căn cứ vào kế hoạch thời gian năm học để xem xét để lựa chọn thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp và sẽ công bố trong thời gian tới đây. "Giáo viên và học sinh yên tâm hoàn thành tốt chương trình và chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đồng thời tạo thuận lợi cho học sinh và các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng kết quả kỳ thi trong tuyển sinh và các mục đích phù hợp khác" - ông Chương nhấn mạnh. 
 
Điều chỉnh về điểm ưu tiên
Liên quan đến điểm ưu tiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung liên quan đến một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,25 điểm ưu tiên. Cụ thể, người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có ít nhất 2/3 thời gian học cấp THPT tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc trung ương và có nơi thường trú từ 3 năm trở lên trong thời gian học cấp THPT (tính đến ngày thi) ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.
Một trong những đối tượng thuộc diện cộng 0,5 điểm ưu tiên cũng được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo là người dân tộc thiểu số đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương và có nơi thường trú ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của chương trình 135; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III; các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định hiện hành, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.
 
 

Bài viết mới nhất của Giáo Dục