Bộ GD-ĐT nói gì về đề xuất không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận?

Thứ bảy, 26 Tháng 10 2024 13:57 (GMT+7)
Bộ GD-ĐT đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền
 
Trong dự thảo Luật Nhà giáo (bản trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15), ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo cũng quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo.
 
Bộ GD-ĐT nói gì về đề xuất không công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận?- Ảnh 1.
Bộ GD-ĐT đề xuất không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền
 
Các quy định này gồm không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định. Không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo. Các việc khác không được làm theo quy định của pháp luật.
 
Bộ GD-ĐT thừa nhận còn có ý kiến băn khoăn về quy định không được "Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo" vì cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và "bênh vực" nhà giáo.
 
"Tuy nhiên, quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định" - Bộ GD-ĐT nêu quan điểm.
 
Bộ này cũng cho rằng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.
 
Đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo đã được đưa ra khỏi dự thảo mới.
 
Bộ GD-ĐT lý giải, việc quy định các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất quy định đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù. Chẳng hạn, với lực lượng công an nhân dân, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hiện đã có quy định
 
Ban soạn thảo đã đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo. Trong quá trình xin ý kiến góp ý, chính sách này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của đội ngũ nhà giáo trong cả nước.
 
Quá trình rà soát, điều chỉnh dự thảo Luật Nhà giáo qua các giai đoạn xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, chính sách này tiếp tục được đề xuất và có đánh giá tác động tài chính để tính toán nguồn lực thực hiện - đây là quy trình bắt buộc trong xây dựng Luật Nhà giáo.
 
Trong đó, việc dự toán số kinh phí chi trả cho con nhà giáo dựa trên mức trung bình học phí các cấp học theo quy định hiện hành. Dự tính về số lượng con nhà giáo thụ hưởng chính sách này được tính theo số lượng nhà giáo có con trong độ tuổi học từ mầm non đến đại học. Con số được đưa ra đang là con số dự kiến và sẽ tiếp tục được rà soát để điều chỉnh phù hợp.
 
"Ngay sau khi các đề xuất dự kiến (nhất là về kinh phí) được thông tin, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện của dư luận xã hội đối với nội dung này.
 
Với tinh thần nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra khỏi dự thảo nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo" - Bộ GD-ĐT cho hay
 
 

Bài viết mới nhất của Giáo Dục