Còn quá sớm để mong đợi một người ngoài hành tinh vẫy tay chào chúng ta nhưng những phân tử hữu cơ, vật liệu của sự sống hay còn được NASA gọi là "khối xây dựng sự sống" đang phun ra dồi dào thông qua các vết nứt trên bề mặt của mặt trăng băng giá.
Phát hiện này vừa được một nhóm nghiên cứu đa quốc gia, bao gồm Đại học Heidelberg (Đức) và Viện Nghiên cứu Southwest (Mỹ) công bố, dựa trên các dữ liệu mà tàu vũ trụ Cassini, "kẻ săn hành tinh" đơn độc của NASA, đang làm nhiệm vụ quanh sao Thổ.
3 lớp của hành tinh: lõi đá nóng, một đại dương khổng lồ và bao phủ bên trên là lớp băng vĩnh cửu - ảnh: NASA
Nhà khoa học hành tinh Nozair Khawaja, đến từ Đại học Heidelberg và là tác giả chính của nghiên cứu, phát biểu trên tờ Gizmido rằng nhóm của ông chưa thể xác định liệu các phân tử hữu cơ giàu carbon và phức tạp này có phải là sinh học hay không, nhưng khả năng nó đến từ một sinh vật sống đang tồn tại là có.
Đó sẽ không phải một người ngoài hành tinh màu xanh đi đĩa bay như bạn tưởng tượng, mà là một dạng sống rất khác biệt so với trái đất.
Các phân tử này được đánh giá là có tính chất phức tạp hơn những gì tìm thấy trên Sao Hỏa. Đồng thời, lượng các phân tử báo hiệu sự sống mà Cassini nắm bắt được nhiều hơn đáng kể những gì robot thăm dò sao Hỏa thu thập dưới đáy hồ.
Các phân tử này tuy chứa các nguyên tố giống với phân tử hữu cơ trên trái đất mà chủ yếu là carbon nhưng có cấu tạp rất đặc biệt, gồm những chuỗi lớn và các vòng carbon, có phần phức tạp hơn phân tử hữu cơ của trái đất.
Các "vật liệu sự sống" này được cho là đến từ thế giới thủy sinh bên dưới lớp băng vĩnh cửu của mặt trăng Enceladus. Trước đó, đã có nhiều bằng chứng cho thấy mặt trăng này che giấu cả một đại dương ấm áp bên dưới bề mặt băng. Bọt khí từ đại dương này đã vận chuyển các phân tử hữu cơ lên bề mặt.
Sao Thổ có 2 mặt trăng lớn là Enceladus và Titan. Từ lâu, NASA đã hướng mục tiêu tìm kiếm sự sống ngoài hành tình trên 2 mặt trăng này với ứng cử viên sáng giá ban đầu là Titan.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.